Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh

Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh được thành lập ngày 24-5-2019 theo Quyết định số 1068 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB và XH). Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho các diện đối tượng bảo trợ xã hội, dạy nghề, dạy phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

Lớp học may ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định).
Lớp học may ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định).

Đồng chí Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Đa số các đối tượng khi được tiếp nhận vào Trung tâm mắc bệnh tâm thần, người khuyết tật ở tình trạng bệnh lý nặng, mất khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân, hay lên cơn kích động; người già cô đơn không nơi nương tựa, tuổi cao sức yếu nên dễ xảy ra những tai biến, trí nhớ giảm sút… Công tác quản lý, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trẻ khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn do các cháu ở nhiều dạng tật khác nhau. Ngoài ra định kỳ hàng quý và cả năm, Trung tâm xây dựng, triển khai kế hoạch tiếp nhận, quản lý đối tượng; rà soát công việc của từng bộ phận để sắp xếp cán bộ làm việc cho phù hợp. Thực hiện nhiệm vụ đột xuất, năm 2019, Trung tâm quản lý tạm thời 4 đối tượng lang thang ăn xin tại các khu vực lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định) và lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản). Trong công tác quản lý thường xuyên, hiện nay, Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng và dạy nghề phục hồi chức năng cho 239 đối tượng, trong đó tại cơ sở 1, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) có 153 đối tượng; cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định) có 86 trẻ khuyết tật đang học nghề, phục hồi chức năng. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc các diện đối tượng, Trung tâm duy trì chế độ ngày ăn 3 bữa đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng quy định và cải thiện thêm rau xanh tự trồng. Trung tâm còn tổ chức tư vấn cho các diện đối tượng tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội; cung cấp và hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội. Tại cơ sở 1 ở thị trấn Xuân Trường có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ, cấp cứu khi cần thiết; Trung tâm điều trị và mở sổ theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Những trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng, Trung tâm làm các thủ tục chuyển đối tượng đến các tuyến bệnh viện để điều trị và đều có cán bộ đi cùng quản lý, chăm sóc. Bên cạnh đó, các hoạt động thể dục buổi sáng, lao động được tổ chức làm liệu pháp để nâng cao thể chất cho các đối tượng. Thời gian qua, Trung tâm đã được đầu tư cải tạo nâng cấp một số hạng mục công trình nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ như: nhà tâm thần nam, khu đối tượng xã hội, khu nhà lây; bổ sung, mua sắm trang bị các đồ dùng, đồ dùng sinh hoạt cho đối tượng. Nhiều đối tượng sau khi được tiếp nhận chăm sóc tại cơ sở 1 đã có chuyển biến tích cực về sức khoẻ. Ông Phạm Văn Khái (82 tuổi) không xác định được nơi cư trú, là người lang thang xin ăn, được tiếp nhận vào Trung tâm từ năm 2003. Ban đầu, khi vào trung tâm sức khỏe của ông rất yếu, tinh thần hoảng loạn. Sau nhiều năm được chăm sóc tận tình tại Trung tâm, sức khỏe và tinh thần của ông được cải thiện và ổn định. Bà Nguyễn Thị Quy (60 tuổi), xã Xuân Thượng (Xuân Trường) bị tâm thần phân liệt, không tự phục vụ được bản thân, gia đình đặc biệt khó khăn, bố mẹ già yếu, sống đơn thân. Từ khi vào Trung tâm tới nay bệnh lý và sức khỏe của bà Quy dần cải thiện. Một trong những trường hợp đặc biệt được chăm sóc ở cơ sở 1, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh là cháu N.G.B.L (9 tuổi), phường Hạ Long (thành phố Nam Định) có bố mẹ đang trong thời gian chấp hành án tù. Sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm, các cán bộ thường xuyên quan tâm chăm sóc cháu từ việc kèm học đến đưa đón cháu đến trường. Hiện nay cháu đang học lớp 4, Trường Tiểu học Xuân Trường. Không phụ công chăm sóc của các cô, chú cán bộ Trung tâm, trong các năm học cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Ở cơ sở 2, với trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn tận tình chăm sóc, giảng dạy, gần gũi với học sinh, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng. Trong khoá học 3 năm tại Trung tâm, các em khuyết tật được hướng dẫn cách giao tiếp, sinh hoạt cá nhân, tập luyện phục hồi chức năng, học văn hóa và học nghề. Để chăm sóc, hướng dẫn trẻ khuyết tật đạt hiệu quả cao, cán bộ, giáo viên của Trung tâm thường xuyên đổi mới phương pháp dạy, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm giáo dục để truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho các em. Các giáo viên của Trung tâm tiêu biểu như các cô giáo: Bùi Thị Thu Hương với sáng kiến cấp cơ sở “Tổ chức trò chơi học tập dạy học môn Toán cho trẻ khiếm thính”, Phạm Thị Thu Nga với sáng kiến “Sử dụng bài giảng điện tử trong dạy học”. Bên cạnh học văn hoá, các em khuyết tật còn được học nghề may và nghề mộc, chúng tôi gặp em Nguyễn Trí Tài (16 tuổi), xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) bị khuyết tật nặng (câm điếc) tại lớp học nghề may. Vượt lên mặc cảm, em đã có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập. Hiện nay em đã có thể may được một số bộ phận đơn giản như nắp túi áo, đường thẳng. Em tin rằng sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm để nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Qua thực tế, việc học nghề ở Trung tâm đã thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ khuyết tật. Sau 3 năm học nghề ở Trung tâm, phần lớn các em đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Em Phạm Thành Công (24 tuổi), ở xã Lộc An (thành phố Nam Định), bị câm điếc bẩm sinh, sau khi hoàn thành khóa học may 3 năm ở Trung tâm đã được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, thành phố Nam Định), có thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng, tự trang trải cuộc sống và còn phụ giúp bố mẹ. Em Vũ Văn Tụ, quê ở xã Trực Thắng (Trực Ninh) làm mộc tại quê hương; các em Nguyễn Thị Linh, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Trần Thị Hoà, ở thị trấn Gôi (Vụ Bản) làm nghề may, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng./.

Bài và ảnh: Viết Dư –  Nguồn Báo Nam Định

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang