Nỗi niềm của một người làm thơ

(DHVO). Từ “nhà thơ” là mọi người thường đặt cho chứ làm gì ai dám nhận. Rõ khổ, mỗi lần đi viếng bạn thơ, hoặc bố mẹ của bạn thơ qua đời y rằng ban tang lễ lại xướng lên cụm từ: Sau đây là đoàn “nhà thơ” đến viếng! Vài lời tiễn biệt người về cõi vĩnh hằng, thể nào trưởng đoàn đại diện cũng có vài câu thơ, thấm đẫm xót thương. Mọi người trầm trồ, các “nhà thơ” dù mặt mày đang nghiêm trang nhưng trong lòng cũng thấy rạo rực.

Biết làm thơ vui lắm. Cái tên bố mẹ đặt cho đã mấy chục năm, giờ thỉnh thoảng lại có người gắn thêm một chữ “thơ” như gắn cho cái đuôi đằng sau. Khi làm được một bài như vừa sinh ra đứa con. Tự khen mình, bài nào cũng hay, cũng đẹp, cũng đi vào lòng người, mặc cho nhiều người chê dở ẹc. Có một câu người đời thường dành ví von cho các “nhà thơ: Thơ mình, vợ người ” nó đã ngấm vào máu thịt những người làm thơ. Những bài thơ mộc mạc chân chất, gần gũi với đời sống nhân dân được đọc, ngâm vịnh trước đám đông, và tự mình khẳng định mình “tài”. Niềm vui đó được lan ra mấy ngày, có khi hàng tháng. Những tràng pháo tay tán thưởng, thấy mũi người làm thơ như muốn “nổ ” tung ra. Phấn khích hào hứng tự mình đi phô tô thơ khi thì vài nghìn, vài chục, có khi in thành quyển gần chục triệu bạc, mang tặng bạn bè gần xa. Nhiều người vui mừng rối rít bắt tay nhưng cũng có người được tặng nhưng nét mặt thì không vui lắm. Những câu hỏi vu vơ hình thành như cơn gió bất chợt trong đầu. Đấy cũng là lẽ thường chả trách được họ.
Lại nói thêm về thơ thẩn, thẩn thơ, ở đây chỉ dám nêu những gì gần gũi nhất về những người làm thơ “vườn”. Người chơi thơ như một thú vui tao nhã. Nhiều khi những tin nhắn bằng thơ hài hước của bạn bè gửi đến, đọc thấy buồn cười, một liều thuốc bổ làm cho tâm hồn như trẻ lại. Có những vần thơ giống như ông sao đổi ngôi lấp lánh lạc trong đêm. Nếu xếp các trò giải trí như đánh phỏm, đánh cờ, uống rượu, hoặc ngồi tán gẫu buôn dưa lê thì thơ là một trò khiến người ta mở mang trí tuệ nhất, mặc dù đó chỉ là thơ quanh quẩn say lũy tre làng. Cố nhà thơ Trần Đại Bổng ông vừa qua đời đầu năm 2013. Ông nguyên là chủ nhiệm CLB thơ Việt Nam, chi nhánh tại Quảng Ninh. Có một câu an ủi những người làm thơ vườn: ” Chẳng có được bài thơ HAY trước lúc chết / Thì nhân gian THI SĨ vẫn trường tồn”. Câu nói của ông chứng minh cho chúng ta vẫn và sẽ mãi mãi là ” nhà thơ” của những người dễ hiểu, dễ cảm thông, và tồn tại bên lũy tre làng, bên con đò bến nước, bên ruộng lúa luống ngô…Những câu thơ ” vắt ngang vai* ” như nhắc nhở, như thôi thúc phấn khích để mọi người gắng sức, một nắng hai sương chăm bón cho mùa vụ trĩu bông. Những bài thơ vườn còn được gọi là thơ phong trào trong lao động sản xuất, trong kháng chiến đã thôi thúc kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương.
Nhưng vui nhất vẫn là khi có bài thơ được đăng báo, trong lòng như vừa mở ra một miền đất hứa. “Từ đó trong tôi nhiều mới lạ/ Ngày đêm thơ phú cứ mênh mang**.” Thơ là thế đấy . Mỗi lần chị đưa thư gọi, dù có đang bận trăm công nghìn việc, hoặc đang trong chân ấm cũng bật dậy như lò so, mừng như đứa trẻ đón mẹ đi lâu ngày trở về.
Vui là thế mà thiệt hại về vật chất cũng có. Mải làm thơ để cháy cá, khét thịt, xoong lồi thủng là chuyện thường tình. Bút, vở nháp như ăn ghém. Đêm trằn trọc, mơ màng tự nhiên tìm thấy câu thơ hay , làm như mình vừa bắt được vàng, tung chăn, vung bút, khai phục trí nhớ, mai đỡ quên. Người làm thơ nhiều khi như người thơ thẩn, ngẩn ngơ, muốn đi lấy cái này lại vớ cái kia. Có khi đi đường, vừa đi xe máy hoặc ngồi trên ô tô cũng ngâm nga, cứ như chỉ những người làm thơ mới yêu đời.
Vui là thế. Thiệt hại là thế. Buồn cũng bắt nguồn từ đây! Những người làm thơ luôn có một tâm hồn trừu tượng để làm ra những câu thơ trìu tượng. Nghĩ về nhau cũng trừu tượng, để đôi lúc thôi đã mất đi hòa khí.
Hỡi các bạn thơ. Hỡi các ” nhà thơ vườn!” chúng ta được thượng đế ban cho kiếp làm người, sống gửi trên cõi đời này chỉ còn khoảng thời gian rất ngắn, rồi chia tay nhau về cõi vĩnh hằng. Đúng vậy. Ai nấy sẽ về cái nơi không mặt trời, ngày cũng như đêm. Không có những áng thơ đường vần trắc, vần bằng, năm mươi sáu từ đục đẽo vuông thành sắc cạnh bay bổng. Không còn chàng Lục nàng Tám sóng đôi dí dỏm, mỗi khi đọc cũng thấy da diết cõi lòng. Không còn những vần thơ tự do được thỏa sức dãi bày, đọc có lúc thấm thía đến sởn da gà, tất tần tật những tâm tư tình cảm từ trong sâu thẳm được thỏa chí tang bồng. Thời gian chúng ta còn lại trên đời này quý như vàng như ngọc. Được tính bằng ngày bằng tháng.Ta hãy sống sao cho thanh thản, vô tư. Những vướng mắc bực dọc nó luôn ngự trị trong chúng ta . Mỗi cái đầu của chúng ta, ví như cái va li, hãy cất vào đó những tư liệu quý giá. Phải biết, bỏ bớt những thứ không cần thiết để cho những mầm thơ được nẩy chồi, xanh lộc, theo đúng cái nghĩa của nó. Để cho sân chơi mãi là những sân chơi bổ ích. Để cho hai từ “nhà Thơ” đáng yêu, đáng kính, đáng nể, được xứng đáng trong tầm mắt của bè bạn!

* Thơ: Trần Nhuận Minh** Ý thơ: Tố Hữu

10-3-2013.

Tác giả bài viết: thi Nga (Vân Đồn-Quảng Ninh)

 

Bài viết liên quan

Picture3

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024)

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang