Ít người làm kinh doanh nghĩ đến việc tuyển dụng những người khuyết tật để sản xuất sản phẩm, nhưng Hợp tác xã (HTX) Vụn Art (Hà Đông – Hà Nội) đã làm được điều đó, tạo công ăn việc làm cho nhóm người yếu thế bằng cách sáng tạo ra những sản phẩm đồ dùng, quà tặng mang hơi thở nghệ thuật truyền thống từ những mảnh vải vụn.
Biến “rác” thành nghệ thuật
Lấy nguồn nguyên liệu từ vải thừa, vải vụn sau khi cắt may ngay tại làng nghề, những người thợ của HTX Vụn Art sử dụng sự khéo léo để cắt, dán vải vụn, lên khung tranh, là vải, ghép màu… , chuyển thể tranh dân gian vào tranh vải. Hình ảnh lợn Đông Hồ, đám cưới chuột, Văn Miếu, hồ Gươm… trở nên đầy tươi mới nhờ những mảnh vụn tưởng chừng không còn giá trị. Với hoạt động của Vụn Art, có thể nói lụa Vạn Phúc được tận dụng đến tận mảnh cuối cùng.
HTX Vụn đã đào tạo cho nhiều nhân công có tay nghề, làm được sản phẩm có chất lượng tốt |
Chính bởi tận dụng vải vụn nên mỗi bức tranh lại có một màu sắc khác nhau, không cái nào giống cái nào, tạo sự bất ngờ cho chính người làm tranh.
“Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình” – anh Lê Việt Cường – Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện sáng lập nên Vụn Art.
Bản thân cũng là người khuyết tật nên anh Lê Việt Cường rất đồng cảm với những khó khăn của những người giống mình, nhất là trong câu chuyện tìm việc làm. Anh nhận thấy nghề thủ công phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Từ đó, anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng về việc ghép tranh. Anh tìm đến các họa sĩ chuyên nghiệp để học hỏi kỹ thuật làm tranh, tạo hình mỹ thuật… , sau đó tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề tranh ghép cho các thành viên HTX – những người khuyết tật được anh đến tận nhà vận động tham gia dự án. Từng công đoạn như tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán được chia ra cụ thể để hướng dẫn cho từng người tùy theo năng lực và nhận thức của họ.
Vụn Art tái sử dụng nguyên vật liệu thừa để bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và phát triển truyền thống |
Vụn Art ra đời với mong muốn góp phần giải quyết ba vấn đề mà xã hội quan tâm. Cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho các đối tượng yếu thế trong đó có người khuyết tật, Vụn Art tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống.
Kể từ khi thành lập, Vụn Art đã giúp rất nhiều người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ nhiều trường hợp khuyết tật vận động, khiếm thính, tự kỷ… hòa nhập cộng đồng, chủ động và độc lập trong cuộc sống.
Thương mại hóa để phát triển bền vững
“Vụn Art không phải là mô hình từ thiện. Ở đây, mọi người kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tự giác cùng nhau cộng tác để phát triển” – Các thành viên của Vụn Art khẳng định như vậy và luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra giá trị thực chất, nâng cao tính cạnh tranh.
Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Giám đốc HTX Lê Việt Cường phải mang tranh đi “chào hàng” trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách… quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề. Dần dần, những sản phẩm này mới được biết đến nhiều hơn, những người làm bắt đầu có thu nhập ổn định hơn.
Hiện nay, những bức tranh thủ công ghép nên từ lụa truyền thống, mang sắc màu văn hóa Việt Nam, đang trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm độc đáo của làng lụa Vạn Phúc, nhận được sự yêu thích của rất nhiều du khách.
Cùng với dòng tranh nghệ thuật dân gian, thời gian gần đây, Vụn Art sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang tính ứng dụng đời sống như làm túi vải, bộ trò chơi tranh ghép, bưu thiếp vải… để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Từ những mảnh vải thừa, Vụn Art ghép thành những bức tranh sống động mang âm hưởng dân gian |
Đặc biệt, Vụn Art mở rộng hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, sinh viên và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Những khách du lịch đến đây, nhất là du khách quốc tế tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm và phương thức sản xuất này, họ đánh giá cao mô hình doanh nghiệp xã hội của Vụn Art – giải quyết được vấn đề việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Sau 2 năm thành lập và phát triển, Vụn Art ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng cũng như các tổ chức xã hội. Đến nay, những mảnh vải vụn đang ghép nên từng bức tranh tươi sáng hơn cho 14 mảnh đời kém may mắn. Họ là những người khuyết tật ở nhiều độ tuổi, họ tìm được niềm vui đến từ quá trình lao động tự tay tạo nên những sản phẩm có giá trị. Vậy nên, không chỉ là nơi những mảnh vải vụn được tận dụng để tạo thành tranh nghệ thuật, Vụn Art còn là nơi thắp lên niềm lạc quan sống của biết bao con người.
Theo Nguyễn Mai- Thu Trang – Báo Công Thương