Nỗi lo thiếu gạo

(DHVO). Trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chống đại dịch COVID-19 thì Bộ Công thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo.

Tin này không không gây sự chú ý của dư luận so với tin thời sự nóng bóng về diễn biến dịch bệnh trong nước và toàn cầu. Nhưng sau đó một ngày, chính Bộ Công thương lại đề xuất Thủ tướng cho xuất khẩu gạo. Mặc dù đề xuất của Bộ Công thương đã được một số bộ và chuyên gia nông nghiệp ủng hộ nhưng sự “tiền hậu bất nhất” của bộ này khiến dư luận bất an, thậm chí bị một số người “ném đá” trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo tin đăng tải trên các báo, vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo.


Cảnh mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp. Ảnh: Sưu tầm.

Tôi chỉ là công dân bình thường. Việc nên hay không nên xuất khẩu gạo trong lúc này ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi cũng không đủ căn cứ để nghi ngờ, đằng sau đề xuất xuất khẩu gạo của Bộ công thương thiếu minh bạch. Nhưng nỗi lo thiếu gạo của nhiều người dân trong lúc này là có thật; nỗi hoang mang trước đề xuất của Bộ Công thương là có thật. Thế hệ chúng tôi không chứng kiến những trận đói chết hàng triệu người trong lịch sử, nhưng đã nếm trải sự thiếu gạo triền miên, phải ăn mì, ăn mạch, ăn bo bo, giờ nghĩ lại còn rùng mình. Tôi nhớ, có lần bão lụt càn quét quê tôi (Nghệ An) khiến dân chúng điêu đứng. Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương (nơi tôi làm việc) thời ấy là ông Đoàn Văn Kiển, đã quyết định trợ cấp cho những cán bộ, công nhân là người Nghệ An mỗi người mấy chục cân gạo và cho một chuyến xe tải chở gạo chạy thâu đêm. Người chỉ huy chuyến xe chở gạo là ông Chu Văn Viễn (sau này ông Viễn là Giám đốc Công ty than Dương Huy). Xe đến nhà ông Viễn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chừng 2 giờ sáng. Làng quê sau cơn bão xác xơ. Gia đình ông Viễn không còn gạo để mời chúng tôi bữa cơm. Đường về quê tôi bị bão lụt tàn phá, ô tô không đi được, tôi đành ngồi ở ga Chợ Si ôm bao tải gạo, nơm nớp lo sợ bất thần bọn cướp ập đến. Rồi bọn cướp ập đến thật. May thay, có mấy hành khách vừa xuống tàu, bọn cướp lủi mất. Một ông hành khách nói với tôi “Trời ơi, răng mi liều rứa. Mi không nghe dân thường nói  kẻ cắp Chợ Si à?. Thời buổi ni, bần cùng sinh đạo tặc, trộm cướp hoành hành khắp nơi”.

Sau này làm báo, được tiếp xúc với các tài liệu, tôi mới biết, đó là những năm vùng Mỏ thiếu gạo kịch liệt. Theo số liệu điều tra của Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Ninh, đến cuối tháng 10-1987, ở Công ty Than Cẩm Phả (gồm các mỏ:  Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Thống Nhất v.v.) có tới 30% công nhân phải ăn cháo một bữa, còn một bữa dựa vào bữa ăn công nghiệp ở nơi làm việc. Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông có 54 gia đình công nhân phải ăn cháo 2 bữa; Xí nghiệp Vận tải Cẩm Phả  có 39 gia đình ăn cháo 2 bữa. Ở Lâm trường Cẩm Phả, đội Dương Huy có 63/70 gia đình, đội Cộng Hoà có 48/60 gia đình phải ăn cháo và sắn thay cơm. Công ty Cầu cảng, Công ty Đường miền tây (thuộc Sở Giao thông) có 379 gia đình ăn cháo. Điều tra ở tổ 115 (phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả) có 18 hộ thì 16 hộ thiếu gạo phải ăn cháo kèm sắn; còn điều tra 106 hộ ở 6 phường thị xã Hòn Gai thì có 33 hộ khó khăn về gạo, phải chạy ăn từng bữa…

Nạn thiếu đói gay gắt của công nhân mỏ năm đó khiến Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn về vấn đề nâng cao đời sống công nhân mỏ. Cuộc họp do ông Tố Hữu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) chủ trì. Tại cuộc họp, ông Lê Hữu Quân,  Giám đốc Công ty Than Uông Bí mang nắm gạo mốc từ Mỏ than Vàng Danh lên, đặt lên bàn nghị sự và nói hết nỗi cực khổ của công nhân mỏ khiến ông Tố Hữu ngăn lại: “Thôi, thôi, “khai” thế đủ rồi! Trung ương biết hết rồi! Bây giờ bàn cách giải quyết”.

Công nhân mỏ luôn được Nhà nước quan tâm đặc biệt về lương thực, vậy mà còn khốn đốn về gạo như vậy thì những vùng nông thôn gặp bão lũ càn quét, tình trạng thiếu đói còn gay gắt hơn.

Trở lại vấn đề xuất khẩu gạo giữa đại dịch. Trong đề xuất Thủ tướng lần thứ 3, Bộ Công thương cho rằng: Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng là 700.000 tấn. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4, tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Ta hãy làm nhanh một con tính, với số lượng gạo giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo. Vậy, nếu dịch bệnh kéo dài; gặp thiên tai bão lũ thì sao? Đến nay, trên thế giới và ở Việt Nam, chưa ai có thể khẳng định được diễn biến của dịch bệnh kéo dài bao lâu.

Vấn đề xuất khẩu lương thực của nước ta trong những năm qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, theo phân tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ ngày 18/3/2020: Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà an ninh lương thực chỉ xếp 54/113; trong khi Singapore lại đứng đầu thế giới. Rõ ràng, việc xuất khẩu gạo trong lúc đại dịch chưa được đẩy lùi, thiên tai như bão lũ, hạn hán, sâu bệnh v.v. không thể chủ động kiểm soát thì liệu mọi người dân có an tâm; thì vấn đề an ninh lương thực của nước ta có đảm bảo?

Tin rằng, Thủ tướng sẽ sáng suốt quyết định vấn đề xuất khẩu gạo mang tính quyết sách đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia; đảm bảo lợi ích của người dân và chia sẻ khó khăn với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo./.

Bài của Cao Thâm.

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang