(ĐHVO). Với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật, vào ngày 05/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-Ttg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, được cụ thể hóa bởi Thông tư 03/2022/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 có hiệu lực từ ngày 01/03/2022.
Bạn đọc hỏi: Xin chào Trung tâm, tôi là một người khuyết tật (32 tuổi), có giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân xã cấp. Nay tôi muốn đi phẫu thuật chỉnh hình thì có được Nhà nước hỗ trợ kinh phí gì hay không? Xin cảm ơn.
Ảnh minh họa
ThS. LS Nguyễn Thị Hồng Liên – Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:
Theo Điều 1 Quyết định 1190/QĐ-Ttg, mục tiêu chung của Chương trình trợ giúp người khuyết tật nhằm “cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.”
Theo đó, nhằm cụ thể hóa và thúc đẩy việc thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là công tác cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.
Tại Quyết định 1190/QĐ-Ttg, các mục tiêu cụ thể được chia thành 2 giai đoạn thực hiện (2021-2025 và 2026-2030), trong đó, các chỉ số phát triển về người khuyết tật phải tăng dần theo từng giai đoạn.
Các hoạt động chủ yếu của Đề án bao gồm: (i) Trợ giúp y tế; (ii) Trợ giúp giáo dục; (iii) Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; (iv) Phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; (v) Trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng; (vi) Trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; (vii) Trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; (viii) Trợ giúp pháp lý; (ix) Hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; (x) Trợ giúp phụ nữ khuyết tật; (xi) Hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; (xii) Nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá.
Đối tượng nào được nhận hỗ trợ chi phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình?
Theo Thông tư 03/2022/TT-BTC, tại Điểm a Khoản 3 Điều 6, đối tượng nhận hỗ trợ chi phí phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình bao gồm:
“- Trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số;
– Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số;”
Theo đó, không phải tất cả các đối tượng là người khuyết tật được hưởng các chi phí phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình mà chỉ có các đối tượng thỏa mãn các điều kiện:
– Là trẻ em khuyết tật, dưới 6 tuổi, thuộc hộ nghèo/ hộ cận nghèo/ hộ đồng bào dân tộc thiểu số;
– Là người khuyết tật nặng/ đặc biệt nặng, thuộc hộ nghèo/ hộ cận nghèo/ hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong trường hợp của bạn, nếu bạn thỏa mãn các điều kiện của 1 trong 2 trường hợp nêu trên, tức là là trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi hoặc là người khuyết tật có giấy xác nhận mức độ khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng và thuộc hộ nghèo/cận nghèo/đồng bào dân tộc thiểu số thì mới được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật chỉnh hình.
Nội dung hỗ trợ cho người khuyết tật phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật
Căn cứ theo Điểm b Khoản 3 Điều 6 Thông tư 03/2022/TT-BTC, nội dung và mức chi hỗ trợ cho người khuyết tật phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình bao gồm:
“- Chi hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ phục hồi năng dựa vào cộng đồng trong trường hợp bảo hiểm y tế không thanh toán: Mức chi theo giá dịch vụ y tế do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công lập tại thời điểm thực hiện;
– Chi hỗ trợ khám sau khi phẫu thuật chỉnh hình để xác định tình trạng sức khỏe và đưa ra giải pháp điều trị tiếp: Nội dung khám theo chỉ định của bác sỹ; Mức chi theo giá dịch vụ y tế do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công lập tại thời điểm thực hiện;
– Hỗ trợ chi phí đi lại cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và 01 người đi cùng (nếu có) từ nơi cư trú đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại: Mức hỗ trợ theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.
Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê;
– Chi hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và 01 người đi cùng (nếu có) trong thời gian phẫu thuật chỉnh hình: Mức hỗ trợ 70.000 đồng/người/ngày.”
Như vậy, ngoài hỗ trợ từ những nguồn khác, nếu bạn thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật thì sẽ được hỗ trợ theo 4 nội dung (Thông tư 03/2022/TT-BTC), bao gồm: Hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ phục hồi chức năng; Hỗ trợ khám sau phẫu thuật chỉnh hình; Hỗ trợ chi phí đi lại; Hỗ trợ tiền ăn. Mức chi cho từng nội dung hỗ trợ được xác định dựa trên giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, giá trị thị trường phổ thông.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
Theo Mục IV Quyết định 1190/QĐ-Ttg, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người khuyết tật phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình bao gồm:
“Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.”
Theo đó, kinh phí hỗ trợ cho người khuyết tật phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình được trích từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước và Đóng góp từ tổ chức, cá nhân.
Tóm lại, trong trường hợp của bạn, nếu chỉ có Giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã cấp thì chưa đủ điều kiện để Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi phẫu thuật chỉnh hình. Để đáp ứng điều kiện pháp luật quy định, bạn phải là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng (theo mức độ khuyết tật ghi trên giấy xác nhận) và phải thuộc hộ nghèo/ cận nghèo/ đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện để người khuyết tật được phát triển, hòa nhập cộng đồng thông qua những chính sách, đạo luật,… trong số đó đã được cụ thể hóa bằng Chương trình trợ giúp người khuyết tật.
Hồng Liên