Nơi chốn bình yên

Ngôi nhà chung mang tên “Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật xã Thụy An, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội” đang là nơi chăm sóc cho 345 người không nơi nương tựa, trong đó có hơn 85% là người bị khuyết tật nặng, không thể tự chăm lo sinh hoạt cho bản thân. Đến nay, hơn 1/2 thế kỷ qua đi, nhiều người đã thực sự tìm thấy ở đây nơi chốn bình yên của riêng mình…

Sống chung một mái nhà

Số phận những con người kém may mắn, họ đã đang và sẽ sống một cuộc sống như thế nào nếu không có nơi nương tựa, không có người chăm sóc? Nhiều người già neo đơn đã từng bị hắt hủi, xa lánh của gia đình, của con cái và ngừoi thân, họ không nơi che mưa che nắng, nhiều trẻ em bị bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng mẹ hay những đứa trẻ khuyết tật lang thang cơ nhỡ, trẻ em bại não, bại liệt bất động, mù và câm điếc…, họ không thể tự chăm sóc cho mình. May thay, không hẹn mà đến, những con người đó đã cùng chung sống dưới một mái nhà ấm áp nghĩa tình này.

Hoạt động tình nguyện tại Trung tâm

345 con người nơi đây, thì có 345 hoàn cảnh khác nhau. Rất nhiều hoàn cảnh thật đáng thương, từ cụ già đến em nhỏ, phần lớn đều bị khuyết tật nặng từ 90 – 95%, chỉ có rất ít người hoàn toàn lành lặn, tỉnh táo.

Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi căn bệnh khác nhau, người già thì mất trí nhớ, các em nhỏ thì bị mù loà, em thì bị gù, em thì bị não, em bị xương thuỷ tinh… chỉ biết nằm 1 chỗ, có những bé dị tật, khoèo tay khoèo chân bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, mất trí nhớ… Thương nhất là các em bị bại não, phần lớn các em đều mất tự chủ, từ việc ăn uống, đi lại cho tới vệ sinh cá nhân, các hoạt động hàng ngày của các em hoàn toàn phụ thuộc vào các cô hộ lý và nhân viên chăm sóc. Đau xót hơn nữa là các trẻ sơ sinh vừa mới lọt lòng mẹ, không có được tình thương của cha, không có hơi sữa và vòng tay âu yếm và lời du của mẹ…Không gì có thể kể hết được sự bất hạnh tột cùng của những mảnh đời nơi đây..!

Mỗi con người nơi đây là một câu chuyện của sự bất hạnh, của những nỗi đau của quá khứ và hiện tại. Họ là một trong hàng trăm con người với hàng trăm số phận khác nhau, dẫu vậy, trên những gương mặt và ánh mắt kia vẫn toát lên một sức mạnh, sự hồn nhiên, yêu đời. Cuộc sống các em tật nguyền giống như cây tầm gửi, hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của cán bộ, y tá, hộ lý và điều dưỡng, và những con người đó phải là những người có tâm và yêu nghề, yêu trẻ, mếm già mới có thể vượt qua được những áp lực trong cuộc sống và công việc, để hết lòng tận tâm chăm sóc cho các cụ già và em nhỏ.

Những người già bình thường ta vẫn gặp trong nhịp sống hối hả hàng ngày ngoài kia, họ đã gợi đến một sự mong manh, yếu ớt, nhưng những người già ở nơi đây lại còn mong manh, nhỏ nhoi và yếu ớt hơn hơn bao giờ hết … Chỉ khoảng 1/5 trong số các cụ ở đây là có thể tự phục vụ một phần, chăm sóc cho bản thân mình, còn lại rất nhiều cụ già neo đơn, bị con cái ruồng bỏ, một phần vì quá nghèo, một phần vì tâm thần không ổn định, một phần bị trầm cảm và không ý thức được…Cá biệt còn có một số trường hợp thường xuyên lên cơn và đập phá gào thét… Dẫu vậy, tình yêu thương đã được lan tỏa tại nơi đây khiến họ vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc đời mình.

Một chốn đi về

Được thành lập từ tháng 9 năm 1966, Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật xã Thụy An, huyện Ba Vì, tp.Hà Nội, trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tp.Hà Nội, đến nay đã hoạt động được hơn nửa thế kỷ. Biết bao nhiêu số phận con người đã lớn lên và trưởng thành, tái nhập cộng đồng qua ngôi nhà chung này. Mặc dù nơi đây là nơi tận cùng của sự đau thương, của sự chia ly, sự cô đơn, nhưng ngược lại, đó cũng là nơi hạnh phúc, là bởi nơi đây có tình thương yêu, có sự sẻ chia của con người với con người, của tinh thương và trách nhiệm của cộng đồng và xã hội.

Căn phòng nhỏ của các bé

Căn phòng dành cho trẻ sơ sinh, rộng chừng hơn 30m2, có hai chiếc giường rộng và thành cao để tránh nguy hiểm cho các bé. Các bé nằm trên giường, dưới thảm và trong cũi… mỗi một bé có một số phận và ngay cả caí tên của bé cũng khác nhau. Từ cách đặt tên cho các cháu cũng theo những địa điểm mà cháu bị bỏ rơi: Cháu bị bỏ rơi ở Ủy ban xã thì gọi là Ban, ở nghĩa trang gọi là Trang, ở sân cầu lông gọi là Cầu. Tất cả đều bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng mẹ và được đưa về trung tâm trong tình trạng xanh xao, yếu ớt chỉ còn 1 phần sống, 9 phần chết… Những sinh linh bé nhỏ chào đời không có được hơi ấm của cha, không có tiếng âu ơ của mẹ..! Có những bé dị tật như: khoèo tay khoèo chân bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, nặng thì bệnh đao, bệnh thiểu năng trí tuệ và dị tật nặng bại liệt…nên bị mẹ đẻ vứt bỏ ngay từ lúc lọt lòng.

Tại nơi này, các em đều ngồi trên những chiếc giường sắt, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên những chiếc giường ấy. Mỗi giường có từ 4-6 em, nằm ngồi ngả nghiêng, u ơ, nụ cười ngơ ngẩn và ánh mắt vô hồn, thất thần đầy xót xa… Khó ai có thể hình dung được cô bé 18 tuổi mang tên Nguyễn Thị Bình chân tay teo tóp và co quắp lại trông như một cục thịt trong hình dáng của một đứa trẻ sơ sinh. Cạnh đó là một cậu bé bị di chứng bởi chất độ da cam có mũi, có mồm, nhưng không có mắt, tay chân đập vào không gian  rồi đập vào mặt mình như vô thức, gào khóc cười nói vô hồn… Nhìn căn phòng nhỏ của các em, mà không ai cầm được nước mắt.

Trong số hơn 180 trẻ em mô côi, khuyết tật ở đây thì cũng chỉ có một số em là có thể đi lại và nói được những từ ngữ đơn giản nhất, còn lại đều bị liệt, mù, câm điếc, bại não, mắc bệnh xương thủy tinh…ăn ngủ vệ sinh tại chỗ, cần người chăm sóc 24/24h. Tất cả cứ như những thân cây khô không thể lớn lên mà già đi, yếu dần đi trên những chiếc giường, chiếc cũi như thế…

Với đội ngũ 10 y sĩ, y tá và điều dưỡng, hàng ngày khám và điều trị cho người già, người tàn tật và trẻ em tàn tật, nếu không bằng tấm lòng, trách nhiệm, tình yêu thương.. sẽ không thể vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả như vậy! Nhưng cán bộ, hộ lý trong trung tâm đều yêu thương mọi người như chính người thân của mình. Quả thực, với đồng lương khoảng 5 triệu/tháng, trực các ngày nghỉ, ngày lễ tết 24/24, nếu không có tình thương, không thương yêu như chính người con của mình, thì ít ai chịu ở lại và gắn bó với ngôi nhà chung này.

 

 

Sự trợ giúp, sẻ chia của những CLB tình nguyện dành cho Trung tâm

 

Mái ấm bình yên

Theo ông Đỗ Đức Hồng – giám đốc Trung tâm thì mức trợ cấp mỗi tháng của người lớn là 1.050.000 đồng/tháng và trẻ em là 1,450.000 (nghĩa là cả ăn, cả mặc, cả chữa bệnh vỏn vẹn 10.000 đồng/ngày). Tuy nhiên, số tiền này là không đáng kể đối với mỗi lần trở bệnh và số lần trở bệnh trong một tháng của một bệnh nhân. Bên cạnh đó, các chi phí xà phòng, bột giặt, các dụng cụ phục vụ cho đối tượng cũng nhiều hơn so với các Trung tâm bảo trợ xã hội khác, bởi tại đây, một số bệnh nhân nặng thường xuyên không tự chủ được sinh hoạt cá nhân.

Đối với trẻ tàn tật, ngoài công tác phục hồi chức năng, đơn vị thường xuyên duy trì lớp học linh hoạt cho các cháu trẻ tàn tật, các cháu được học nhạc, học hoạ, học giao tiếp, học kỹ năng sống và các trò chơi dân gian. Trẻ đến tuổi đi học được học hoà nhập cộng đồng tại trường tiểu học và trung học cở sở trên địa bàn. Kết quả học tập của các cháu đều đạt từ trung bình và khá trở lên. Có thể khẳng định rằng, Trung tâm luôn là nơi sưởi ấm tình người để các cháu phấn đấu học tập, rèn luyện vượt lên bệnh tật, hoà nhập cộng đồng.

Đúng như lời của một vị Bộ trưởng LĐTBXH mong muốn:“Tôi mong Trung tâm tiếp tục đổi mới, trở thành ngôi nhà chung, thành điểm hẹn, điểm đến của tình thương, trách nhiệm và của niềm tin” và những người nơi đây họ đã luôn tin tưởng, những ngừoi già thì sống tốt sống khoẻ sống có ích trong những quãng đời con lại, còn các em nhỏ thì cố gắng học tập và lao đông để tái hoà nhập cộng đồng. Ở nước ta hiện nay, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến những đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật, người già neo đơn và trẻ em cơ nhỡ. Vì vậy trong những năm gần đây đã có rất nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ cho những người yếu thế. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, vào các ngày lễ, tết trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến thăm tặng quà và kinh phí. Mặc dù những món quà tuy không lớn, nhưng cũng ấm áp phần nào cho những người nơi đây. Nước mắt của nhiều đoàn từ thiện đã rơi khi đến khu ở nhà trẻ em bại não, khu sơ sinh, trẻ bị bỏ rơi và khi sang đến khu nhà của những người già bệnh tật, thì ai cũng không thể cầm được nước mắt bởi sự xót xa thương cảm.

Sự trợ giúp, sẻ chia của những CLB tình nguyện dành cho Trung tâm

Không ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình một cách sống. Nhưng cuộc sống đã xắp đặt cho những con người kém may mắn, những con người bất hạnh nơi đây gặp nhau nơi “chốn bình yên” này. Chốn bình yên đó bằng chính tình yêu thương, bằng sự sẻ chia, quan tâm của nhiều tấm lòng hảo tâm trong xã hội sẽ giúp họ có một cuộc sống tốt hơn. Và biết đâu đấy, trong số những người già không nơi lương tựa lại được sống trong một mái nhà chung hạnh phúc, và những những đứa trẻ kia, các em sẽ trở thành người giúp ích cho xã hội.

 

 

Hoàng Anh Tuấn

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang