Sách chữ nổi cho học sinh còn thiếu rất nhiều. |
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay không có sách giáo khoa (SGK) và giáo trình dành riêng cho trẻ khuyết tật khiến học sinh và các thầy cô gặp nhiều khó khăn. Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai – Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) chia sẻ về nỗ lực của nhà trường để có sách cho trò cũng như đề xuất chế độ cho học sinh khuyết tật.
Chủ động tìm hướng đi mới
– Xin cô cho biết đôi nét về việc triển khai Chương trình, SGK mới tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu?
– Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu bước đầu thu được kết quả tích cực. Bằng sự nhiệt tình và lòng yêu nghề mến trẻ, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường luôn chủ động, sáng tạo tìm tòi những hướng đi mới nhằm đem lại môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh khiếm thị.
Số lượng trẻ khiếm thị được đến trường đúng độ tuổi đã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Trong 10 năm theo học tại trường, các em được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để tiếp tục học ở bậc THPT và hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng. Số lượng học sinh theo học THPT ngày càng tăng cao, chứng tỏ chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, nhà trường giao quyền chủ động cho các tổ, khối chuyên môn trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, kế hoạch bài dạy, điều chỉnh nội dung bài dạy nhằm phát huy năng lực người học đáp ứng mục tiêu của chương trình.
Về SGK, các giáo viên trong trường đều nhận xét sách phù hợp với từng đối tượng với các hoạt động được thiết kế khoa học, giúp người học hình thành năng lực phẩm chất, đạt mục tiêu của chương trình. Kênh hình, kênh chữ trong SGK đẹp, thu hút học sinh. Tất cả học sinh gồm cả em khiếm thị đều thích thú với Chương trình, SGK mới.
– Một trong những khó khăn của nhà trường khi triển khai Chương trình GDPT mới là việc chưa có SGK dành cho học sinh hòa nhập. Nhà trường đã có biện pháp gì để khắc phục?
– Hiện trường có 167 học sinh khiếm thị trong tổng số 1.519 em. Do chưa có đơn vị cung cấp SGK chữ nổi nên nhà trường đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành tự in sách cho trò học hòa nhập tại trường.
Quá trình chuyển đổi từ SGK bình thường sang SGK chữ nổi phải qua các công đoạn: Chuyển kênh chữ, kênh hình, dàn trang chữ nổi, bố cục từng quyển và in ấn. Một cuốn sách in thường chuyển sang in chữ nổi sẽ thành 6 – 8 tập, giấy in chữ nổi và in nhiệt đều có kinh phí cao. Hiện nay 1 bộ SGK chữ nổi cho học sinh khiếm thị lớp 1 có giá khoảng hơn 14 triệu đồng, bộ sách lớp 6 khoảng 18 triệu đồng.
Nhà trường đã tổ chức in SGK chữ nổi lớp 1 – 2 – 3 và lớp 6 – 7 cho học sinh khiếm thị của cả hai khối tiểu học và THCS. Nhà trường đã in tổng cộng 1.079 cuốn sách Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Tuy vậy, SGK chữ nổi cho học sinh khiếm thị hiện nay vẫn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh.
Trong đó ở khối tiểu học, các bộ môn thiếu SGK là Tự nhiên xã hội lớp 1 – 2 – 3; sách Tiếng Anh lớp 3; sách Đạo đức lớp 1 – 2 – 3; sách Hoạt động trải nghiệm lớp 1 – 2 – 3. Khối lượng học sinh khiếm thị thiếu sách là 23 em, trong đó khối 1 có 6 học sinh, khối 2 có 8 học sinh, khối 3 có 9 học sinh. Số SGK chữ nổi còn thiếu là 256 cuốn.
Khối THCS, các bộ môn thiếu SGK là: Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ lớp 6; Toán tập II, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Công nghệ lớp 7. Có tổng số 28 học sinh khiếm thị thiếu sách, trong đó khối 6 có 14 học sinh, khối 7 có 14 học sinh. Số SGK chữ nổi còn thiếu là 630 cuốn.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai trong Lễ khai giảng năm học 2022 – 2023. |
Quan tâm hơn đến trẻ khuyết tật
– Để học sinh khuyết tật sớm có SGK riêng, theo cô cần những giải pháp nào?
– Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc có đầy đủ SGK cho học sinh vô cùng cần thiết. Đối với học sinh khiếm thị rất cần SGK để học cùng bạn trong lớp, theo kịp chương trình. Nếu không tiếp cận được sách vở, tài liệu học sinh khiếm thị tham gia học tập sẽ thụ động và không thực sự hòa nhập.
Dù nhà trường đã in SGK chữ nổi cho học sinh nhưng số lượng in không đủ đáp ứng so với nhu cầu. Ngoài ra, do giá thành của một bộ sách chữ nổi cao hơn rất nhiều so với bộ sách thường nên phụ huynh không đủ tiền mua sách cho con. Do không được cấp kinh phí mua giấy in nhiệt, giấy in chữ nổi để in SGK mới cho học sinh nên nhà trường gặp trở ngại trong quá trình tổ chức dạy học và tổ chức hoạt động.
Do đó, nhà trường kiến nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn về các chế độ chính sách cho học sinh khuyết tật, kinh phí chi cho 1 học sinh khuyết tật/năm học. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện về kinh phí để trang bị máy móc thiết bị in SGK chữ nổi và làm chế bản SGK cho học sinh khiếm thị; có chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh khiếm thị, cung cấp kịp thời các thiết bị dạy học.
– Xin cảm ơn cô!
Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh thúc đẩy việc xây dựng, điều chỉnh các quy định của Nhà nước thì cần gấp rút huy động sự tham gia của tổ chức, các cá nhân và gia đình học sinh trong chuyển đổi, nhân bản SGK chữ nổi để học sinh khiếm thị có SGK phục vụ việc học tập. Bên cạnh việc huy động tổng hợp các nguồn lực để nhanh chóng có SGK chữ nổi cũng cần có giải pháp khắc phục những hạn chế về quản lý, sử dụng SGK chữ nổi. – Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại