Những người khuyết tật tâm huyết vì môi trường

Khoảng 7 tháng nay, người dân đi biển sớm đã quá quen thuộc với hình ảnh một nhóm người khuyết tật với đôi chân tập tễnh, đôi tay gầy tong teo cúi người nhặt từng cọng rác dọc các bãi biển Đà Nẵng vào mỗi sáng cuối tuần. Hỏi ra mới biết, họ là những thành viên của nhóm Hòa Nhập Xanh – nhóm người khuyết tật và các bạn trẻ yêu môi trường.

Trưởng nhóm Mai Huỳnh Quốc Thống dù khuyết tật nặng nhưng lại rất tâm huyết vì môi trường.
Trưởng nhóm Mai Huỳnh Quốc Thống dù khuyết tật nặng nhưng rất tâm huyết vì môi trường

Nhóm Hòa Nhập Xanh được thành lập vào đầu tháng 5 – 2019. Anh Mai Huỳnh Quốc Thống (SN 1988), Trưởng nhóm cho biết, đến nay nhóm có khoảng 15 thành viên trong đó có đến 6 thành viên là người khuyết tật. Dù gặp một số khó khăn trong việc đi lại, nói chuyện nhưng hầu hết các bạn đều rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động vì môi trường.

Nói về cái tên Hòa Nhập Xanh, theo anh Thống, đó là mong muốn của chính những người khuyết tật như anh: một nơi mà người khuyết tật không có khoảng cách với người bình thường và cùng hành động vì một môi trường sống trong lành, sạch đẹp.

Vào mỗi sáng cuối tuần, sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, các thành viên trong nhóm chia thành từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác dọc các bãi biển. Rác sau khi nhặt được các bạn phân loại ngay tại chỗ. Chai, lon nào tái sử dụng được sẽ mang về tái sử dụng. Chai, lon cũ, móp méo sẽ bán gây quỹ, mua găng tay, mũ để mọi người sử dụng trong các buổi dọn rác. “Thời gian tới, bên cạnh dọn rác, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường”, anh Thống cho hay.

Những đôi tay yếu tử tế với môi trường - Ảnh 1.

Các bạn trẻ, trong đó có nhiều người khuyết tật, chung tay bảo vệ môi trường

Chị Đặng Thị Mỹ Trinh (SN 1982) cũng là một người khuyết tật tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên. Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng chị vẫn tự đạp xe đến điểm nhặt rác mỗi sáng cuối tuần. Chị Trinh mộc mạc chia sẻ: “Mình nhặt được một bao rác nhưng có thể truyền thêm nhiều “túi” động lực cho các bạn trẻ và chạm vào được một phần ý thức của người dân”.

Anh Trần Quốc Trung (SN 1992) bị khuyết tật vận động mức nhẹ, một trong những thành viên tích cực của nhóm chia sẻ: “Tôi tham gia hoạt động của nhóm Hòa Nhập Xanh với mong muốn đóng góp một phần công sức trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc làm của mình truyền đi thông điệp rằng người khuyết tật vẫn góp sức bảo vệ môi trường, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Ngoài những thành viên là người khuyết tật, Hòa Nhập Xanh còn là nơi tập hợp những bạn trẻ có tâm huyết vì môi trường. Lê Thị Phương Liên (SN 1989) là một người như thế. Theo Liên, những người khuyết tật có trách nhiệm với môi trường thì người bình thường càng phải có trách nhiệm cao hơn.

Ban đầu người dân còn lạ lẫm và ái ngại khi thấy người khuyết tật nhặt rác. Nhưng sau nhiều buổi, người dẫn từ lạ lẫm đã chuyển thành thân quen với hình ảnh một nhóm người khuyết tật mang bao bố, đeo găng tay tỉ mẩn làm sạch bãi biển. Nhiều người đi tập thể dục buổi sáng thấy vậy còn tiến lại tham gia nhặt rác cùng nhóm. Đôi khi chỉ một hành động nhỏ nhưng có sức lan tỏa đến rất nhiều người.

Ngọc Huyền (T/h)

Bài viết liên quan

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

abc

CẦN TRAO THÊM CƠ HỘI CHO “NGƯỜI YẾU THẾ” ĐỂ KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Nguoi khuyet tat Can Tho

Cần Thơ: Triển khai Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang