Những khó khăn trong công tác tiếp cận giao thông của người khuyết tật

Với người khuyết tật, nhu cầu đi lại và tham gia giao thông hết sức quan trọng. Mặc dù, pháp luật về giao thông cho người khuyết tật đã có nhiều chính sách để xây dựng giao thông tiếp cận vì cộng đồng nhưng đến nay, người khuyết tật vẫn gặp nhiều rào cản khi tham gia các phương tiện, công trình công cộng.

 

Người đi xe lăn thường phải di chuyển dưới lòng đường

Giao thông công cộng vẫn chưa “làm bạn” với người khuyết tật

Trong nhiều năm qua, nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu hoà nhập xã hội, cộng đồng của người khuyết tật. Pháp luật đã ban hành bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn công trình công cộng nhằm đảm bảo cho người khuyết tật có thể dễ dàng di chuyển và hoà nhập với cộng đồng như Luật Người khuyết tật Việt Nam năm 2010; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD quy định trong một khuôn viên, công trình hoặc hạng mục công trình ít nhất phải có một đường vào đảm bảo người khuyết tất tiếp cận sử dụng; Quyết định số 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020; Quyết định số 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT…

Theo Báo cáo Đánh giá khả năng tiếp cận công trình giao thông của người khuyết tật được khảo sát 19 công trình giao thông tại Hà Nội và Quảng Ngãi mới đây cho thấy vấn đề tiếp cận giao thông của người khuyết tật đã được quan tâm khi khoảng 50% công trình khảo sát đã lưu ý đến những yếu tố tiếp cận đối với người khuyết tật. Các công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội như hệ thống BRT, Ga Hà Nội, Đường sắt Cát Linh đã đáp ứng được từ 50% yêu cầu của QCVN 10:2014/BXD. Trong đó, đường sắt Cát Linh đáp ứng được 90% QCVN 10:2014/BXD. Các công trình của doanh nghiệp tư nhân đã tính đến việc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật.

Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu hoà nhập xã hội của cộng đồng người khuyết tật, các đối tượng yếu thế trong những năm qua, song thực tế các loại hình giao thông công cộng vẫn chưa “làm bạn” với người khuyết tật khi họ vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như cần người hỗ trợ, khó khăn trong việc di chuyển lên xuống, phải mang theo những phương tiện hỗ trợ như xe lăn. Việt Nam luôn mong muốn đạt được mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, bản thân người khuyết tật cũng khát khao được bước ra hòa nhập với cộng đồng, nhưng việc khó tiếp cận được với giao thông công cộng dường như đang trở thành rào cản với người khuyết tật.

Hành khách khuyết tật được tiếp viên xe buýt giúp đỡ

Xóa bỏ rào cản để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Đà Nẵng Trương Công Nghiêm cho biết mặc dù Luật Người khuyết tật năm 2010, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD đã được triển khai nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng của các công trình giao thông công cộng đều không đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật cũng như chưa tuân thủ QCVN 10:2014/BXD (1/19 công trình đạt tiếp cận cơ bản; Khu vực Nhà vệ sinh của các công trình giao thông hầu như không tiếp cận…). Các phương tiện giao thông chưa phù hợp để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng. Vấn đề tiếp cận công trình giao thông mới chỉ tập trung vào nhóm người khuyết tật vận động trong khi các nhóm người khuyết tật nhìn và khuyết tật nghe nói, khuyết tật trí tuệ cũng cần được lưu tâm đến. Đặc biệt, nhận thức của các bên liên quan chưa thật sự đầy đủ về quyền lợi của người khuyết tật trong tiếp cận giao thông.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân chủ – Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Quỳnh Liên, qua Báo cáo Đánh giá tác động chính sách xây dựng Luật Người khuyết tật sửa đổi cho thấy hiện không có quy định “cứng” và cụ thể về nghĩa vụ của những cơ sở tư nhân trong việc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật đối với các công trình xây dựng để sử dụng vào mục đích là địa điểm làm việc. Phương tiện hỗ trợ cho người khuyết tật ở các dạng tật tiếp cận các công trình này còn hạn chế. Nội dung thông tin cho người khuyết tật chưa được quy định và có biện pháp bảo đảm…

Có thể thấy, việc xây dựng hệ thống giao thông, công trình thông minh, hiện đại và dễ tiếp cận đối với người khuyết tật là yêu cầu tất yếu của các đô thị lớn. Đã đến lúc cần chú trọng, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và giải quyết triệt để những vấn đề đang còn tồn đọng nhằm giúp cho người khuyết tật có thể tiếp cận nhiều hơn với cộng đồng, xoá đi mặc cảm và những khó khăn của một bộ phận yếu thế trong xã hội hiện nay.

Để làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng trước tiên cần rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền của người khuyết tật trong tham gia giao thông. Hoàn thiện và thúc đẩy việc thực hiện các quy định pháp luật nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền của người khuyết tật trong cộng đồng. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức của người khuyết tật trong việc xây dựng, thực thi và giám sát chính sách liên quan đến người khuyết tật, đặc biệt, cần đảm bảo nguồn lực về tài chính./.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội


 

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang