(ĐHVO). Người khuyết tật gặp rất nhiều rào cản, khó khăn trong cuộc sống, trong sinh hoạt. Dù hiện nay, sự kỳ thị và định kiến đã giảm rất nhiều so với trước nhưng hơn ai hết, người khuyết tật cần được sự quan tâm, bảo vệ của Nhà nước và xã hội để giúp họ tự tin phát triển, hòa nhập cộng đồng và hơn nữa là cống hiến cho xã hội. Do đó, Pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể tại Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 về “Những hành vi bị nghiêm cấm” liên quan đến người khuyết tật.
1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật
Xã hội ngày càng hiện đại, người khuyết tật dần hòa nhập và có những đóng góp to lớn cho xã hội. Các tổ chức, hội nhóm người khuyết tật, người mù, câm điếc được hình thành và trở thành nơi mà họ cùng nhau tạo công ăn, việc làm và có những hoạt động ý nghĩa cho đời sống. Cũng từ đó hướng đến một xã hội hòa nhập, không rào cản với người khuyết tật. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn cái nhìn kỳ thị, phân biệt đối với người khuyết tật. Hành vi này hoàn toàn đi ngược lại với đạo đức xã hội, xâm phạm quyền con người và trái với quy định của pháp luật
(Ảnh: nguồn Internet)
2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật
Các hành vi xâm phạm nêu trên được pháp luật quy định để bảo vệ các quyền về nhân thân, tài sản, danh dự, đảm bảo người khuyết tật được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ một cách công bằng. Do đó, hành vi xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật là trái pháp luật.
3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội
Truyền thống dân tộc ta từ ngàn đời nay có câu “Lá lành đùm lá rách”. Trước những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải, cần phải chung tay giúp đỡ, bảo vệ, kéo họ tiến đến những hoạt động bổ ích, có ý nghĩa góp phần tạo nên xã hội văn minh, thân thiện. Do đó mà hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội là hành vi không chỉ trái pháp luật mà còn đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức xã hội và cần được ngăn chặn khỏi cộng đồng.
(Ảnh: nguồn Internet)
4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật
Hiện nay, có rất nhiều các tổ chức được thành lập dành cho người khuyết tật, nhằm giúp đỡ, lan tỏa những thông tin, thông điệp về người khuyết tật. Qua đó, kêu gọi những tấm lòng, những cánh tay có thể giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Việc xảy ra những hành vi lợi dụng người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội. Không chỉ suy đồi về mặt đạo đức trong việc giúp đỡ người yếu thế, hành vi này còn làm mất niềm tin trong cộng đồng. Người cần nhận giúp đỡ, không nhận được sự giúp đỡ. Lòng tốt của người giúp đỡ lại không được gửi gắm đến đúng người mà rơi vào tay của những kẻ trục lợi bất chính.
5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.
Không may mắn như người bình thường, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bản thân người khuyết tật có những khó khăn trong việc sử dụng đồ dùng xung quanh. Do đó, người giám hộ cần quan tâm, chăm sóc đến đời sống vật chất của họ cũng như động viên tinh thần để những mảnh đời kém may mắn từng bước hòa nhập cộng đồng. Xuất phát từ thực tiễn đó, Nhà nước ta đã đưa ra mức xử phạt từ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm răn đe đối với những hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với người khuyết tật.
6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật
Pháp luật nước ta bảo hộ quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của công dân. Do đó, các cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở người khuyết tật kết hôn khi người khuyết tật đủ điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Quy định trên góp phần giúp người khuyết tật gạt bỏ tâm lý tự ti, sống tích cực, hạnh phúc hơn.
7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật
Trong một số trường hợp, các chủ thể nhằm trục lợi tiền trợ cấp của Nhà nước đã có các hành vi không trung thực trong việc khai báo mức độ khuyết tật. Để khắc phục những vụ việc trên, pháp luật nước ta đã đưa ra mức xử phạt theo điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em để làm bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng có hành vi gian dối trên.
Nguyễn Hoa