Những điểm mới trong công tác bầu cử Quốc Hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

(ĐHVO). Sáng ngày 08/03, tại hội trường tỉnh ủy Nam Định, trong khuôn khổ hội nghị tập huấn tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Triệu Đức Hạnh thông tin một số điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp so với những lần bầu cử trước.

Tại hội nghị, đồng chí Triệu Đức Hạnh – Giám đốc Sở nội vụ, thư ký ban bầu cử thông tin về những điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngoài những tiêu chuẩn chung còn có những điểm mới bổ sung như sau:

I/ Về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

1/ Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách

Người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên. Tương tự, đối với đại biểu HĐND chuyên trách.

2/ Quy định độ tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải có đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây, “tính đến tháng 05/2021 chưa quá 55 tuổi 3 tháng đối với nam; 50 tuổi 4 tháng đối với nữ”.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 05/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây (tính đến tháng 05/2021 chưa quá 57 tuổi 9 tháng đối với nam; 52 tuổi 10 tháng đối với nữ).

Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo kết luận của Bộ Chính trị và nghị định Chính phủ, được tính tuổi công tác như nam, cụ thể: tính đến tháng 05/2021, người ứng cử lần đầu sinh từ  tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 07/1963 trở lại đây (tính đến tháng 05/2021 chưa quá 55 tuổi 4 tháng)

Hướng dẫn 36 bổ sung nội dung: Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.

3/ Về bố trí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV

Là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố theo nguyên tắc mỗi thường trực cấp ủy cấp tỉnh không giữ quá 02 chức danh lãnh đạo (Bí thư, phó Bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội); chức danh ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố thì không giữ quá 03 chức danh lãnh đạo.

4/ Về quy trình nhân sự giới thiệu nhân sự cụ thể:

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện theo quy định tại Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; quy trình, thủ tục theo quy định của Hội đồng bầu cử Quốc gia, ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Đối với nhân sự là đảng viên cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải theo quy định của Đảng và nhà nước. Đối với người ngoài Đảng, ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam các cấp phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

II/ Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung

Viêc hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải được tổ chức hội nghị hiệp thương sẽ tiến hành 3 lần, lần đầu vào ngày 04/02/2021, lần thứ hai phải hoàn thành trước ngày 19/03/2021, lần ba phải hoàn thành trước ngày 18/04/2021. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải đảm bảo số dư cần thiết để hội nghị xem xét lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần ba phải đảm bảo có số dư lớn hơn số dư quy định.

III/ Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố.

Dự kiến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố là Trưởng Ban công tác mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

IV/ Về tổ chức hội nghị cử tri

Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú là người phải có thời gian sinh sống thường xuyên liên tục 06 tháng trở lên, không quy định việc xác định lấy ý kiến nơi cư trú của người đang ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Yêu cầu về tổ chức cử tri nơi công tác, đối với những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể phải đảm bảo có ít nhất 2/3 tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức đại diện cử tri nhưng phải đảm bảo ít nhất có 55 cử tri tham dự.

Yêu cầu về tổ chức cử tri nơi cư trú, những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải có trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải đảm bảo ít nhất có 55 cử tri tham dự.

Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét cử tri đối với những trường hợp được dự kiến ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc  giới thiệu người khác.

Những trường hợp giới thiệu người ứng cử không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ tại hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định

Thời gian thực hiện xác minh và trả lời cử tri nêu lên đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất vào ngày 13/04/2021.

Trần Hồng

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang