Những chính sách bảo đảm phát triển giáo dục mầm non

Các chính sách ban hành đã cho thấy sự quan tâm của nhà nước trong việc đảm bảo công bằng, phát triển GD Mầm non tại các vùng miền trên cả nước.

Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh trình bày những chính sách bảo đảm phát triển giáo dục mầm non.
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh trình bày những chính sách bảo đảm phát triển giáo dục mầm non.

Những yêu cầu phải đảm bảo của Chương trình GD Mầm non

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định tại Điều 25, Luật Giáo dục, Chương trình GD Mầm non (MN) phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Thể hiện mục tiêu GDMN; Quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em; Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở GDMN.

Hệ thống cơ sở GDMN theo quy định tại Điều 26, Luật Giáo dục, gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi; Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi; Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.

Chính sách đối với nhà giáo, nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình; Có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Đầu tư tài chính từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; Vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; Nguồn vốn vay; Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Khuyến khích đầu tư

PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho biết, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục. Các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho giáo dục; đóng góp, tài trợ, ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát triển sự nghiệp giáo dục được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp.

Chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, trường tư thục. Theo đó, trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 85 của Luật này.

Tại Điều 27 Luật Giáo dục quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển GDMN; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính phủ đã ban hành NĐ số 105 quy định chính sách phát triển GDMN.

Trong đó, chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN: Tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp giáo dục mầm non, bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 1 phòng/nhóm, lớp; đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với GDMN.

Khuyến khích thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho GDMN dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. – Bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương; củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Những chính sách bảo đảm phát triển giáo dục mầm non ảnh 1

Ảnh minh hoạ/ INT

Chính sách cho phát triển

Chính sách đối với GDMN ở xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, được ưu tiên đầu tư kinh phí từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở GDMN công lập đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường lớp học. Cơ sở GDMN công lập ở xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực GDMN được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực GDMN được hưởng các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở GDMN theo hình thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, địa phương có trách nhiệm bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương; củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Cơ sở GDMN độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được được ngân sách địa phương hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Động viên, hỗ trợ

Chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số tại điểm lẻ ở vùng khó khăn hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Số tiền hỗ trợ không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

GVMN tại cơ sở GDMN ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở GDMN dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, trẻ em mẫu giáo ở thôn, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh và trẻ em khuyết tật học hòa nhập được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Chính sách trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được ngân sách địa phương trợ cấp tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Các chính sách tổng thể được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với GDMN ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; giải quyết được những khó khăn bất cập đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất đã tồn tại trong thời gian dài; đảm bảo công bằng đối với mọi trẻ em. Đồng thời tạo lập nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách để các địa phương căn cứ xây dựng chính sách địa phương phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. – PGS.TS Nguyễn Bá Minh

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang