(ĐHVO). Ai cũng có nhu cầu tìm kiếm việc làm để có thu nhập nhằm nuôi sống bản thân và gia đình, người khuyết tật lại càng hơn thế. Mặc dù có khiếm khuyết nhưng họ không từ bỏ, vẫn cố gắng vươn lên để trở thành những người có ích cho xã hội. Thế nhưng, ngoài kia là bao nhiêu cạm bẫy, những chiêu trò lừa đảo của những kẻ muốn cướp trắng tiền của người khác khiến người khuyết tật càng khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Trên các diễn đàn tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật có rất nhiều bài đăng của các bạn trẻ khuyết tật muốn tìm kiếm việc làm. Có bạn khuyết tật ở tay, có bạn không thể đi lại được, thậm chí có bạn còn bị tâm thần phân liệt… Và mọi người đều chỉ mong muốn có công việc ổn định.
Điển hình như bạn có nick facebook DNV có đăng: “ Mình chào mọi người nhé. Mình ở Vĩnh Phúc. Mình bị khuyết tật bẩm sinh không lớn được. Mình cao 1m30. Ai có công việc gì cho mình theo với, mình kiếm miếng cơm hằng ngày. Mình tên DNV 21 tuổi”.
Hay bạn TN ở Thành phố Hồ Chí Minh có tìm công việc bảo vệ: “Em tên TN, em bị tật tay phải, qua dịch em muốn tìm công việc bảo vệ để nuôi sống cho bản thân. Mong mọi người giúp đỡ, em chân thành cảm ơn. Em ở quận 12 TP Hồ Chí Minh, sđt xxxxxxx”.
Thậm chí có những bạn khuyết tật nặng hơn nữa vẫn còn muốn tìm việc làm như bạn L Decade; “Có anh chị nào cần tuyển dụng nhân viên tư vấn chốt đơn trực bán hàng cho shop onl của mình không ạ. Em bị bại não vận động không di chuyển được, tay không kiểm soát được chỉ dùng được bằng chân thôi ạ. Cho em xin việc ạ”.
Ảnh chụp trên trang facebook “Việc Làm Cho Người Khuyết Tật”
Ngoài ra còn rất nhiều các bạn khuyết tật khác cũng có nhu cầu như trên. Thế nhưng, hiện nay trên mạng có “hàng tá” các chiêu trò mà nếu các bạn không cẩn thận thì sẽ bị lừa gạt ngay.
Giả như có những bài đăng tìm người xâu hạt với mức công rất cao là 350.000 đồng/kg hạt, làm việc tại nhà và sẽ có người đến tận nhà thu hàng. Đây chẳng phải là công việc mà hầu hết những người không có khả năng đi lại mong muốn đây sao? Sau khi trao đổi thì người thuê đề nghị cọc 1.000.000 đồng tránh trường hợp người làm ôm hàng không trả. Thế nhưng đến khi xâu xong số hạt đã nhận và được nhận tiền công thì lại không thể liên lạc được với người thuê. Họ đã biến mất cùng với 1.000.000 đồng tiền đã cọc, để lại cho mình 1 đống hạt nhựa không biết sẽ sử dụng làm gì.
Hay có những trường hợp thuê lắp bút bi cho công ty bút; thuê thêu tranh; thuê đính đá cho tranh; … cũng đều lừa đảo với hình thức tương tự.
Tuy nhiên, số tiền trên chưa phải là số tiền lớn khi có những người bị lừa đảo hàng chục triệu đồng khi bị lừa lấy hàng về bán.
Trên mạng xã hội hiện có rất nhiều bài đăng tuyển Cộng tác viên (CTV) bán hàng và có chiết khấu sản phẩm bán được. Công việc này ban đầu không yêu cầu đặt cọc nên mọi người rất yên tâm vì nghĩ mình không bị lừa tiền. Sau một thời gian làm việc thấy khách hàng inbox đặt hàng liên tục, lại được sự “động viên”, “khích lệ” từ người thuê và được hứa chiết khấu sản phẩm cực cao thì mọi người đã ôm hàng về bán dần. Thế nhưng khi nhận được hàng mới tá hỏa toàn bộ khách hàng trước kia đều chỉ tương tác ảo chứ không mua hàng, hàng nhận được lại toàn là hàng kém chất lượng. Khi đó, bán không ai mua, để lại sử dụng cũng không được mà tiền thì mất. Hình thức lừa đảo này thường được sử dụng với những sản phẩm như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, xà phòng, nước rửa chén…
Vàng thau lẫn lộn khiến chúng ta không thể biết được đâu là thật, đâu là giả. Để tìm được việc không phải là đơn giản. Không phải chỉ có mình người khuyết tật là đối tượng mà bọn chúng nhắm tới mà còn cả những bạn sinh viên còn non nớt, những bà nội trợ ở nhà trông con…Đó đều là những đối tượng muốn có việc làm để có tiền nhưng không có nhiều thời gian, bị hạn chế đi lại nên khi tìm được việc làm mặc dù có phần không yên tâm nhưng cũng đánh liều với suy nghĩ “thử xem sao” hay “được ăn cả ngã về không”.
Thậm chí, có những trang web tìm kiếm việc làm được lập ra chỉ với mục đích lừa đảo. Trước đây cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã điều tra và đề nghị truy tố trước pháp luật nhóm đối tượng có hành vi thành lập văn phòng, đăng báo tuyển dụng lao động trên các trang tin muaban.net, Jobsvietnam.vn tuyển lái xe và phụ xe, thu tiền đặt cọc 1 triệu đồng/người…Có 46 lao động bị chiếm dụng 85,9 triệu đồng và 6 đối tượng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thế nhưng điều này vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh người lao động bởi có quá nhiều hình thức lừa đảo mới rất tinh vi khiến chúng ta không thể phân biệt được.
Vì vậy, để bảo vệ chính mình khỏi những chiêu trò đó mọi người cần phải:
– Tìm hiểu các công việc mà mình muốn làm trên mạng Internet, mạng xã hội xem đã có trường hợp nào bị lừa đảo hay chưa.
– Tự đặt và trả lời câu hỏi “Mức lương có thực sự xứng đáng với công việc?”, mức lương quá cao phần lớn là lừa đảo bởi không người kinh doanh nào lại đưa ra bài toán kinh tế như vậy;
– Tìm đến các Trung tâm giới thiệu việc làm thực sự uy tín để tìm việc;
– Không chuyển tiền để đặt cọc, tìm việc cho bất cứ đối tượng nào mà mình không rõ họ là ai, làm công việc gì, họ ở đâu, .. Có những trường hợp biết rõ thông tin đối tượng, được dẫn đến tận địa điểm làm việc nhưng vẫn bị lừa bởi toàn bộ thông tin cũng như dịa điểm đều là giả;
– Khi không may đã chuyển tiền cho những đối tượng đó và phát hiện có dấu hiệu lừa đỏa thì phải lập tức cung cấp số tài khoản, thông tin đối tượng cho công án, báo ngay với ngân hàng để phong tỏa tài khoản;
– Thường xuyên cập nhật tin tức về việc làm, lừa đảo việc làm trên báo đài, phương tiện thông tin đại chúng để có cái nhìn tổng quát nhằm tự tìm cho mình hướng đi phù hợp.
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng rất tích cực điều tra, triệt phá đường dây lừa đảo “không có tính người” để nhằm hạn chế việc chính những người được coi là phái yếu cần xã hội bảo vệ lại bị lừa tiền. Thế nhưng, để làm được điều đó không phải là đơn giản. Vì vậy, bản thân chúng ta cũng phải biết cách tự bảo vệ chính mình và tuyên truyền cho mọi người xung quanh, những người yếu thế như mình biết để tránh.
Hồng Liên