(DHVO). Tiết trời đã lạnh sâu, gió buốt đã len lỏi mọi con đường góc phố nhưng chúng ta không khó để bắt gặp nhưng “show” ca hát ngoài trời của những người khuyết tật, tổ chức nhân đạo dù lượng người dừng chân nghe không đông hoặc có khi không có.
Những sân khấu ca nhạc từ thiện ở các góc phố mỗi tốt từ lâu đã không còn sự lạ lẫm đối với người dân thủ đô. Họ đều là người khuyết tật hoặc các thành viên trong các tổ chức từ thiện. Và họ chỉ cần một tấm phông với dòng chữ “ca nhạc từ thiện” hay “tiếng hát người khuyết tật”, một bộ loa đài, vài ba bóng đèn chiếu sáng và chiếc micro là đủ để những người khuyết tật có thể cất lên tiếng hát mưu sinh trên đất thủ đô.
Mỗi lần các giọng ca cất lên rất hiếm người đi đường dừng lại để nghe nhưng “ca sĩ” vẫn cố gắng biểu diễn, vấn hát hết lòng mình. Thông qua buổi biểu diễn ấy đã giúp người khuyết tật thể hiện năng khiếu bản thân và tự tin hơn, hòa nhập cộng đồng. Có lẽ khi đứng trên sân khấu đơn sơ và có phần cô độc ấy để cất lên tiếng hát, họ rất cần ai đó trên dòng người nhộn nhịp trên đường dừng lại một chút lắng nghe.
Bên cạnh niềm đam mê ấy, ca hát nhân đạo cũng là một phần công việc mưu sinh của những người khuyết tật. Đặc biệt dịp cuối năm này, họ vẫn miệt mài gom góp những tấm lòng hảo tâm của người qua đường, họ tranh thủ những ngày cuối năm bởi với họ, tết đến là có bao nỗi lo, mưu sinh, hy vọng có thể kiếm thêm thu nhập cho cái tết năm nay no đủ hơn.
Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhân đạo, nạn nhân chất độc màu da cam, tình thương của người dân mà dựng sân khấu nhỏ khắp các góc hè phố, các ngã ba, ngã tư, các trục giao thông để biểu diễn thường xuyên, thậm chí kéo dài từ cuối giờ chiều đến tối khuya.
Người khuyết tật bị các đối tượng trên lợi dụng, thuê hát giá rẻ thậm chí bị ép buộc hay dọa nạt đánh đập để trục lợi cá nhân. Về vấn đề này, Luật sư Đinh Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái bày tỏ sự phẫn nộ cho những bộ phận lợi dụng tình trạng sức khỏe, thân thể của người khuyết tật để hàng ngày bóc lột sức lao động, mồ hôi nước mắt của người khác một cách không thương tiếc.
Biết là bị lợi dụng, biết là không trả công đầy đủ nhưng nhiều người khuyết tật không còn cách nào khác. Họ cần một khoản thu nhập, dù nhỏ nhất để tồn tại tối thiểu và được làm việc một cách chân chính. Khi đứng trên sân khấu, họ là nghệ sĩ của đường phố nhưng họ cần một cơ chế hợp pháp và cần được bảo vệ.
Đây là hành vi trái với lương tâm, trái đạo đức làm người, không chỉ gây tác động trực tiếp tới sức khỏe, tới cuộc sống của người khuyết tật mà còn tạo ra sự vô tâm, vô cảm trong xã hội. Bởi từ việc thấy e ngại vì không giúp đỡ được những hoàn cảnh éo le đến việc từ chối thẳng thừng vì sợ rằng lòng tốt của mình đang bị những người xấu lợi dụng không phải là khoảng cách quá xa.
Về vấn đề này, Luật sư Đinh Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái nhận định, những hành vi trên có thể bị phạt vi phạm hành chính, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
b) Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.”
Pháp luật đã can thiệp bảo vệ người khuyết tật, tuy nhiên thực tế tình trạng này vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phổ biến và đa dạng, lộ liễu khiến mất an toàn trật tự công cộng. Một phần có lẽ do chế tài chưa đủ sức răn đe, nhưng phần lớn do công tác phát hiện, quản lý, xử lý còn lỏng lẻo.