Theo tục lệ của người Gia Rai trước đây, khi trẻ mới sinh ra chẳng may người mẹ mất thì sinh linh non nớt đó bị buộc vào xác mẹ và mang chôn, tránh hồn ma của người mẹ về làng đòi con.
Nếu sinh ra đứa trẻ khuyết tật, người mẹ cũng phải tự tay bóp chết đứa trẻ. Những người già từng chứng kiến, hoặc tham gia tiến hành hủ tục này giải thích giản đơn rằng, do cuộc sống nơi núi sâu rừng thẳm trước kia vốn nghèo khó và khắc nghiệt. Nếu mẹ chết, đứa con không được bú sữa mẹ, không được cho ăn, chúng cũng sẽ chết vì đói khát, do đó việc cho trẻ sơ sinh đi cùng người mẹ xấu số là giúp đứa trẻ khi về với thế giới ma sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn. Cuộc sống dần thay đổi, nhiều người có hiểu biết trong buôn làng muốn can thiệp để cứu những đứa bé vô tội, nhưng chỉ cần ngăn cản sẽ bị dân làng cô lập, thậm chí có hành động trả thù.
Rơ Lan Béc cùng hai đứa em nhỏ sinh sống tại làng Krong, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai), may mắn được đưa vào Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Đồn Biên phòng Ia Mơr. Khi đứa em út sinh ra là lúc ba chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ do mắc bệnh hiểm nghèo. Thượng úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai gắn bó với địa bàn này 12 năm, nhớ lại: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tôi lập tức cùng đồng đội và bà con dân bản bàn kế tổ chức cuộc sống cho ba đứa trẻ mồ côi. Trước mắt, vận động người bà con trong họ cho các cháu ở nhờ, Đồn trợ giúp chi phí đi học và bảo trợ cho ba cháu được miễn giảm các khoản đóng góp ở trường. Khi có các đoàn từ thiện xã hội ra biên giới, Rơ Ô Thuy lại đưa tới địa chỉ của những đứa trẻ mồ côi để tăng cường thêm nguồn lực, trợ giúp cho trẻ ăn học. Thượng úy Rơ Ô Thuy cho biết, cuộc chiến loại bỏ hủ tục không dễ dàng, nhưng chính tình cảm đùm bọc, thương yêu, sẻ chia của BĐBP đã dần thức tỉnh sự cực đoan của một số bà con, giúp những đứa trẻ tồn tại, sinh sống và lớn lên. Thượng úy Rơ Ô Thuy cũng là người Gia Rai đậm đặc chất núi rừng. Anh trải lòng: mình cũng là người con dân tộc Gia Rai, lại đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên phải có trách nhiệm với đơn vị, với người dân nơi này. Vì vậy, không quản ngại khó khăn, vất vả, bất cứ khi nào, ở đâu người dân cần, anh đều có mặt kịp thời. Bởi theo anh, muốn nói dân nghe, làm dân tin, trước hết phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, kịp thời giúp đỡ khi họ cần.
Để có thể dần loại bỏ những hủ tục còn tồn tại trong các buôn làng, BĐBP còn có sự giúp đỡ rất lớn từ chính những người Gia Rai cấp tiến. Già Ksor H’Blam, nữ già làng Krong, xã Ia Mơr từng là chiến sĩ cách mạng, cũng là một trong số những người Gia Rai cấp tiến hiện nay đã cùng BĐBP bao bọc những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn ở đây. Ngoài ba đứa trẻ mồ côi, còn có một cháu gái tật nguyền trong một gia đình nghèo cũng được già làng và bộ đội Đồn Ia Mơr tới trông nom săn sóc. Già Ksor H’Blam chính là người đã từng giữ lại hai đứa trẻ sinh đôi mất mẹ khi mới sinh ra. Bà là người Gia Rai dám chống lại lệ làng từ cách đây hàng chục năm, khi phong tục của dân tộc mình vẫn còn nhiều người thủ cựu kiên quyết giữ lại. Già Ksor H’Blam kể, ngày xưa việc sinh đôi được người khác đồn là ma quỷ nhập vào đứa trẻ, phải giết đi để không gây họa. Một bà mẹ sinh ra hai đứa trẻ trong một bào thai được coi là dị thường, điềm xấu. Tổ tiên người Gia Rai cho rằng, một người mẹ không thể cùng lúc nuôi được hai đứa con. Họ luôn cõng đứa trẻ trên lưng bất kể làm việc gì, từ việc nhà tới đi nương rẫy. Mà một mẹ thì không thể cùng lúc cõng được hai con, vì vậy, cần phải loại bớt một đứa trẻ. Già H’Blam kiên nhẫn giải thích cho làng, sinh đôi không đáng sợ và không đáng bị gán vào rất nhiều thứ quái gở như thế.
Già H’Blam năm nay đã ngoài 70 tuổi. Bà nói rằng, chỉ mong nhiều thế hệ người Gia Rai sau này hiểu biết hơn, học hỏi cái mới, loại bỏ cái cũ lạc hậu kéo lùi sự phát triển của dân tộc. Có được như thế, phải nhờ vào sự học hành tiến bộ của trẻ em, do vậy, bà làm tất cả vì bọn trẻ cũng là lý do đó. Cả cuộc đời bà cho mượn bò, mượn gạo để bà con chòm xóm làm kinh tế gia đình. Khi nào dư dật, bò đẻ ra bê thì lại dắt bò về trả cho bà. Ở vùng biên giới Ia Mơr không nhiều phụ nữ được đi ra ngoài, được tiếp xúc nhiều người, nhiều dân tộc khác như bà. Bà Ksor H’Blam nói rằng, mong muốn của bà là cùng các chiến sĩ BĐBP làm thay đổi nhận thức của vùng biên giới, để đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày càng văn minh, no ấm.
Theo BÀI VÀ ẢNH: NAM KHÁNH