(ĐHVO) Sinh ra không được lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác, đáng nhẽ những đứa trẻ khuyết tật phải được bố mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ khuyết tật bị gia đình bỏ rơi, không được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ.
“Hổ dữ không ăn thịt con” – đây là câu tục ngữ của người Việt, mang tính chất ví von, chỉ rằng người mẹ sẽ luôn làm mọi thứ để bảo vệ con mình, ngay cả khi người mẹ đó thực tế có hoang dại, hung dữ, bạo ngược đến đâu.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm trở lại đây, câu tục ngữ này dường như không còn phù hợp. Có rất nhiều người mẹ lầm lỡ hoặc cũng có những gia đình đàng hoàng, có học thức khi sinh ra những đứa trẻ có hình hài khiếm khuyết, họ sợ vì hoàn cảnh khó khăn hay việc nuôi con sẽ trở thành gánh nặng nên họ đã “phủi tay”, “rũ bỏ” những đứa con mà mình 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau sinh ra.
May mắn, một số đứa trẻ sẽ được bỏ trước các Trung tâm Bảo trợ trẻ em hoặc các cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục cộng đồng khác. Cũng có những đứa trẻ bất hạnh, ngay từ khi vừa mới lọt lòng, chúng đã được bố mẹ thẳng tay “quăng” ra đường, ra bụi, ra thùng rác,… để đến khi mọi người biết được thì những đứa trẻ này đã không còn tồn tại hoặc tồn tại nhưng lại phải chịu nỗi đau đớn gấp trăm, nghìn lần cho đến khi lớn lên.
Dư luận rất nhiều lần xót xa trước những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần mà những đứa trẻ này phải gánh chịu. Đồng thời, họ cũng thể hiện rõ sự căm phẫn trước sự tàn nhẫn của những ông bố, bà mẹ đã đối xử với con như vậy.
Nhói lòng những đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi – Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đến các trung tâm bảo trợ trẻ em, chúng ta mới cảm nhận được nỗi đau mà những đứa trẻ khuyết tật phải chịu là như thế nào. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều phải chung số phận là bị gia đình bỏ rơi. Có những em bị thiểu năng trí tuệ, không có khả năng vận động, lúc nào cũng chỉ co quắp một chỗ với ánh nhìn vô định. Có những em bị tâm thần bẩm sinh, không nhận thức được sự việc diễn ra xung quanh, chỉ biết nói cười một mình. Hầu hết, tất cả các em đều có thân hình gầy guộc chỉ còn da bọc xương và khi thấy khách đến đều níu lại đòi bế, đòi cưng nựng.
Khi đã tận mắt chứng kiến số phận của những đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi, chúng ta mới cảm thấy thực sự xót xa, thương cảm như thế nào. Trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa được sinh ra với cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, bình thường, được bố mẹ quan tâm, chăm sóc, được đến trường vui chơi, chạy nhảy thì những đứa trẻ này từng giờ từng phút đang phải chống chọi với nỗi đau thể xác. Không những vậy, các em còn phải chống chọi với nỗi đau tinh thần khi bị người thân bỏ rơi. Nếu như không bị bỏ rơi, có lẽ, nỗi đau thể xác sẽ vơi bớt phần nào trong các em.
Bất kỳ trường hợp nào, hành vi bỏ rơi trẻ em đều là hành vi đáng lên án, cần phải ngăn chặn. Theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi bỏ rơi trẻ em có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cụ thể: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi “Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.”
Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:
“Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
… 2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Thu Hà