Với người khuyết tật, chiếc xe ba bánh (chủ yếu chạy xăng) không chỉ là công cụ di chuyển, mà còn là “đôi chân”, là phương tiện mưu sinh, là cánh cửa mở ra sự hòa nhập xã hội. Trong số họ, nhiều người đang hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe ba bánh máy xăng, chở theo không chỉ cơm áo mà cả ước vọng sống độc lập.
Thế nhưng, các phương tiện thay thế hiện nay như xe buýt, tàu điện, metro… lại chưa thực sự thân thiện với người khuyết tật. Xe điện ba bánh cũng có mặt, nhưng giá thành cao, công suất yếu, rồi liên quan quãng đường di chuyển… cũng khiến nhiều người khó có thể tiếp cận.
Vì vậy, nếu không có giải pháp hỗ trợ cụ thể, người khuyết tật rất dễ bị rơi vào thế vừa bị cấm xe xăng, vừa không có phương tiện thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, Giấy phép lái xe cũng là một rào cản lớn. Nhiều người khuyết tật chưa từng được tiếp cận với các chương trình đào tạo và cấp bằng lái phù hợp. Mặc dù pháp luật hiện hành đã cho phép người khuyết tật lái xe ba bánh nếu có bằng A1, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng đủ điều kiện hoặc có cơ hội tiếp cận đào tạo chuyên biệt. Và, từ đó lại có nguy cơ bị xử phạt vì không có giấy phép. Đây là một vấn đề đáng báo động khi chính sách được thiết kế cho tương lai xanh, nhưng lại khiến người khuyết tật “vẫn” mắc kẹt giữa ranh giới của mong muốn và khả năng tiếp cận thực tế.
Không ai phủ nhận rằng một thành phố xanh là mục tiêu chung, nhưng “xanh” rất có thể vô tình lại trở thành lý do đẩy người khuyết tật ra bên lề cuộc sống. Người khuyết tật ra đường không phải để vui chơi, mà là để mưu sinh, để sống, hòa nhập, thực hiện quyền và nghĩa vụ, cùng đóng góp cho xã hội, đất nước. Do đó, khi hoạch định các chính sách tương lai, nhất thiết không thể bỏ quên những vấn đề của họ.
Các chuyên gia và đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng đã có những khuyến nghị về việc cần có lộ trình cụ thể và các chính sách chuyển tiếp hợp lý vì trong thách thức luôn là cơ hội, trong đó một số giải pháp có thể kể đến như:
– Có những thiết kế phương tiện điện phù hợp với người khuyết tật ở nhiều dạng tật thay vì người khuyết tật lại phải mất công cải tạo có thể dẫn đến việc mất an toàn. Đây cũng sẽ là một thị trường tiềm năng và giải pháp kép cho rất nhiều vấn đề liên quan đến người khuyết tật.
– Hỗ trợ người khuyết tật được tiếp cận với xe điện đạt tiêu chuẩn với mức giá tốt/ trợ giá hoặc được cấp phát trong các trường hợp cụ thể thông qua các nguồn: Ngân sách, xã hội hóa, các tổ chức, chương trình phi lợi nhuận.
– Hỗ trợ người khuyết tật trong quá trình sử dụng bằng cách hướng dẫn sử dụng phương tiện một cách hiệu quả, an toàn cũng như có các chương trình bảo trì, đánh giá và thay thế, cấp đổi
– Có các chính sách đồng bộ và triển khai thường xuyên để NKT được đào tạo phù hợp và đáp ứng được yêu cầu tham gia giao thông; cấp giấy phép lái xe, giấy kiểm định phương tiện….
– Không ngừng có những nghiên cứu, đánh giá tác động và các giải pháp phù hợp với thực tế vận động.
Khi các giải pháp đối với người khuyết tật được nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cũng sẽ chính là giải pháp cho hàng loạt các vấn đề, nội dung xoay quanh lĩnh vực khuyết tật như: Thúc đẩy sự hòa nhập xã hội; tăng cường sống độc lập; xã hội thay đổi theo hướng tích cực với sự tham gia của sự đa dạng… và vô vàn các lợi ích khác.
Chúng ta hoàn toàn ủng hộ nỗ lực bảo vệ môi trường, nhưng một chính sách chỉ thực sự “xanh” khi nó không bỏ quên con người, bỏ quên bất kỳ ai đặc biệt là những người yếu thế nhất trong xã hội. Và mọi chính sách chỉ thực sự tốt, bền vững là khi không tạo thêm rào cản và góp phần gỡ bỏ những rào cản đối với đa dạng nhóm đối tượng trong xã hội.
Và hơn cả, người khuyết tật họ không yêu cầu đặc quyền nhưng họ luôn mong được cùng đồng hành trên hành trình phát triển, bằng “đôi bánh xe” vững chãi của sự thấu hiểu và công bằng để thực sự bất kỳ ai cũng được đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước cũng như vì hạnh phúc cho tất cả mọi người….
Phạm Quang – Đỗ Văn