Nhiều giải pháp hiệu quả trong hỗ trợ, giải quyết việc làm

Số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 118,9 nghìn người lao động, đạt 74,3% so với kế hoạch giao trong năm, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Những con số ấy phần nào khẳng định Hà Nội đã đạt nhiều hiệu quả trong hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này bên lề Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên vừa được tổ chức tại Trung tâm Thương mại Savico Megamall Long Biên (Hà Nội).

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh (đứng bên phải, áo trắng) trao đổi, hướng dẫn người lao động tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên (Hà Nội).

– Ông có thể chia sẻ cảm nhận khi chứng kiến sự tham gia của đông đảo người lao động, doanh nghiệp trong Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên vừa qua?

– Tôi thực sự vui mừng khi chứng kiến có nhiều người lao động trúng tuyển ngay tại phiên giao dịch, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Phiên giao dịch được tổ chức chuyên nghiệp, trong một không gian đẹp, rộng rãi, thoải mái, thuận lợi, có sự tham gia của gần 90 doanh nghiệp với gần 9.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động, đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn. Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là các bạn thanh niên, sinh viên năm cuối khi được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động, được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân; được tham gia tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách pháp luật và cung cấp thông tin thị trường lao động.

Tính từ đầu năm đến nay, đây là phiên giao dịch việc làm lưu động thứ sáu được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp cùng UBND các quận, huyện trên địa bàn tổ chức. Với phiên giao dịch lần này, tôi đánh giá cao sự vào cuộc thực sự trách nhiệm, hiệu quả của UBND quận Long Biên và các đơn vị liên quan, cũng như biểu dương sự nỗ lực cố gắng, sự phối hợp chặt chẽ của các cán bộ, chuyên viên, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, quận Long Biên đã có nhiều giải pháp trong công tác chuẩn bị.

Với những hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và liên tục đổi mới trong công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm, tôi hy vọng đây tiếp tục là một kênh thông tin chính thống và đáng tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động trong việc kết nối cung – cầu lao động, là công cụ hữu hiệu trong việc điều tiết thị trường lao động của cơ quan quản lý nhà nước về việc làm.

– Đáng chú ý, tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động chỉ là một trong nhiều hình thức để hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Trên thực tế, các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức được rất nhiều hoạt động thiết thực, thưa ông?

– Thực vậy, đơn cử như riêng điểm giao dịch việc làm vệ tinh Long Biên từ khi đi vào hoạt động năm 2016 đã tổ chức thành công 812 buổi giao dịch việc làm với tổng số hơn 1.505 lượt doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng; số lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp và kết nối online là trên 18.215 người; trong đó lao động đã trúng tuyển đạt gần 4.550 người, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động, giúp họ tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống.

Thông qua các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã, các lao động yếu thế là người tàn tật, hộ nghèo, gia đình khó khăn, gia đình có công với cách mạng, các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất trong việc cung cấp thông tin cung – cầu lao động, hỗ trợ việc hoạch định cơ chế chính sách phát triển kinh tế – xã hội của thành phố có liên quan đến công tác lao động việc làm. Đồng thời, đây cũng là điểm tiếp nhận và giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn và các vùng lân cận.

– Trong 6 tháng qua, những giải pháp nào đã được triển khai, đem lại kết quả đáng khích lệ trong việc hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động, thưa ông?

– Triển khai Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26-1-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”, trong 6 tháng qua, Hà Nội đã tiến hành nhiều giải pháp hiệu quả, bao gồm: Tập trung rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống…

Thêm nữa, thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Tất cả các giải pháp đó được thực hiện đồng bộ, góp phần hữu hiệu trong việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.

– Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi.

Theo Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang