(DHVO). Qua các cuộc hội thảo, các thống kê, các phương tiện thông tin truyền thông… rất nhiều người trong chúng ta biết rằng, các nhà máy nhiệt điện than có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao với việc đốt than sẽ sinh ra khói, bụi mịn, hay các xỉ than… và rất nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ việc sản xuất điện bằng khoáng thạch, thay vào đó là dung năng lượng gió, năng lượng mặt trời….
Ý kiến trên đúng, tuy nhiên, trên góc độ kinh tế Việt Nam hiện nay, có lẽ, nhiệt điện than đã, đang và vẫn sẽ chiếm vai trò vô cùng quan trọng không thể thay thế một sớm một chiều.
Không kể đến những quốc gia có tỷ lệ điện được sản xuất từ nhiệt điện than rất nhỏ, nguồn cung khác dồi dào như ở Thụy Điển (1%); Pháp (3,1%)…, như nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển khác, với nhu cầu sử dụng điện lớn đều có tỷ lệ cao về nhiệt điện than như Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Hồng Kông (71,2%), Úc (68%), Ấn Độ (67,9%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc (43,2%). Đặc biệt Trung Quốc (79%) với sản lượng nhiệt điên than tới 4.600 tỷ kWh, Việt Nam cũng không ngoại lệ với sản lượng năm 2019 dự kiến chiếm khoảng 47,3% sản lượng của toàn hệ thống.
Ảnh nguồn: Internet
Trong khi đó, các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hoạt động không ổn định vì phải phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như điện mặt trời chỉ hoạt động khoảng 5-8 giờ nắng/ngày, cần có gió để sản xuất điện… Ngoài ra, trong một hệ thống điện, nếu tỷ trọng điện mặt trời và điện gió lớn thì tần số của hệ thống sẽ bị thay đổi liên tục, có thể dẫn đến sụp đổ tần số, sụp đổ hệ thống điện. Để đảm bảo ổn định trong cung cấp điện đòi hỏi phải xây dựng thêm rất nhiều các nhà máy phát điện truyền thống như thủy điện hay nhiệt điện để duy trì tần số của hệ thống, phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng và phát triển các nhà máy nhiệt điện than phải gắn liền với bảo vệ môi trường, các nhà máy nhiệt điện than vẫn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, tổ chức quan trắc thường xuyên đánh giá kết quả xử lý. Tận dụng hết tro xỉ làm vật liệu xây dựng là biện pháp triệt để sử dụng hiệu quả chất thải này để bảo vệ môi trường… Làm được như vậy sẽ góp phần ổn định và phát triển kinh tế Việt Nam đồng thời bảo vệ môi trường và ổn định đời sống xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
PV/TH