(ĐHVO). Nguyễn Trần Thuỷ Tiên (1984, tại Thành phố Hồ Chí Minh), là người điếc duy nhất trong gia đình. Cô là nữ sinh điếc giành được học bổng toàn phần 117.000 USD của trường ĐH ở Washington, Mỹ và nhận bằng thạc sĩ loại giỏi. Hành trình đạt và học ở ngôi trường danh tiếng Thủy Tiên học từ cấp 2 đến cao đẳng ở Đồng Nai theo chương trình giáo dục song ngữ (Ngôn ngữ ký hiệu và Tiếng Việt) cho người điếc Việt Nam do Tổ chức Nippon của Nhật hỗ trợ. Sau khi tốt nghiệp, cô làm giáo viên dạy trẻ điếc ở Trung tâm nghiên cứu thúc đẩy văn hoá điếc. Khi đó, Đại học Gallaudet, Washington DC, Hoa Kỳ hợp tác với Quỹ Nippon giới thiệu học bổng World Deaf Leadership. Để giành được học bổng World Deaf Leadership là một thử thách không hề dễ. Họ chỉ chọn ra 2 người để trao cơ hội này, nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự động viên, tin tưởng từ các giáo viên cùng trường, cô đã đạt được học bổng. “Khi nộp hồ sơ mình không hy vọng nhiều vì biết có nhiều lãnh đạo điếc trên thế giới đều nộp hồ sơ. Thêm nữa là tiếng Anh của mình chỉ mức độ phổ thông. Thật không tin nổi là bản thân mình đã làm được điều đó. Khi đạt được học bổng bậc Thạc sĩ, trước khi vào chương trình chính thức, có một năm chuẩn bị tiếng Anh. Mình tập trung cho hội thoại và ngữ pháp. Ở lớp giáo viên chỉ dạy 30%, còn lại 70% phải tự đọc sách, ra ngoài giao tiếp. Mình phải tự học, nỗ lực rất nhiều”, Thủy Tiên nhớ lại. Nguyễn Trần Thuỷ Tiên (1984, tại Thành phố Hồ Chí Minh) Thay đổi môi trường học tập là thử thách đầu tiên. Ban đầu cô gặp khá nhiều khó khăn khi phải tự mày mò mọi thứ. Thế nhưng, thách thức đã mở ra cơ hội để cô học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ và chủ động tìm kiếm thông tin. Thủy Tiên cho biết: “Trong quá trình học lý thuyết chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại phải tự nghiên cứu và làm bài tập thực hành. Điều này cũng rất khác so với quá trình mình học tại Việt Nam. Việc tự nghiên cứu tốn rất nhiều công sức và thời gian nhưng mà đã giúp mình học hỏi được rất nhiều kiến thức và chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề. Tại đây các giảng viên rất thích nghe sự tranh luận của sinh viên. Khi sinh viên thấy không đồng ý với quan điểm trong bài giảng thì có thể thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình để tranh luận. Điều này đã giúp mình có được góc nhìn đa dạng về một vấn đề/chủ đề nào đó và phát triển tư duy bản thân rất tốt”. Năm 2016 sau thời gian cố gắng nỗ lực học tập cô đã nhận được được bằng thạc sĩ loại giỏi của ngôi trường này và trở về Việt Nam. “ Mình đã làm giáo viên dạy trẻ điếc tại Đồng Nai và Lâm Đồng. Bên cạnh đó, mình nhận ra cộng đồng còn nhiều rào cản và chưa có một tổ chức phi lợi nhuận do người điếc lãnh đạo. Chính vì vậy, sau nhiều thách thức Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo Dục Vì Người Điếc (gọi tắt là Trung Tâm PARD) ra đời vào cuối năm 2019 do mình làm Giám đốc. Trung Tâm PARD là tổ chức phi lợi nhuận có tư cách pháp nhân đầu tiên do người điếc lãnh đạo tại Việt Nam. Mục tiêu là hướng tới một xã hội hòa nhập, nơi mà người điếc có sự tiếp cận đầy đủ với ngôn ngữ ký hiệu và được bình đẳng khi tham gia các hoạt động xã hội, Trung tâm PARD tập trung vào việc nâng cao năng lực cho người điếc để người điếc tự tin và tự chủ trong cuộc sống và nâng cao nhận thức về cộng đồng Điếc cho những người khác trong xã hội”, Thủy Tiên chia sẻ. Vào tháng 10/2021, Thủy Tiên là 1 trong 50 nhà lãnh đạo, nhà hoạt động cộng đồng được lựa chọn tham gia chương trình Starling Collective của tổ chức Giving Tuesday trên toàn cầu. Tháng 4/2022, Thủy Tiên được lựa chọn là 1 trong 35 nhà lãnh đạo trẻ Obama khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Tên tiếng Anh: Leaders Asia-Pacific Program 2022) của Quỹ Obama Foundation. Thủy Tiên cũng là lãnh đạo điếc đầu tiên được lựa chọn tham gia chương trình này. Mong muốn lớn nhất của Thủy Tiên là ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam được chính thức công nhận bởi chính phủ và tất cả người điếc đều được tiếp cận giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu từ mẫu giáo đến Đại học. Thủy Tiên mong rằng mỗi người điếc có thể chủ động cho những quyết định và cuộc sống của mình mà không phải dựa vào người nghe hay sự giúp đỡ thương hại của người khác. Và hy vọng sớm có được Hội Người Điếc Việt Nam hợp pháp để đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người điếc. “Tiên luôn tự hào mình là một người điếc với văn hóa và bản sắc điếc riêng biệt. Đừng e ngại và tự ti về bản thân mình. Điều quan trọng là các bạn hãy hiểu rõ bản thân mình là ai, mình có khả năng gì và chủ động nắm bắt các cơ hội. Hãy tích cực học hỏi và tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng và xã hội để mở mang kiến thức và phát triển bản thân”. Hà Giang