Nguyễn Văn Hùng – Thầy giáo tí hon với nghị lực sống phi thường

(ĐHVO). Nguyễn Văn Hùng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Không được may mắn như mọi người, anh mắc bệnh lùn tuyến yên vì thiếu hooc môn tăng trưởng.

Nguyễn Văn Hùng được mọi người gọi với bí danh thân thiết “thầy giáo tí hon” bởi anh mãi chỉ dừng lại ở chiều cao 1m17, nặng 19kg, giọng nói nhỏ nhẹ, trong trẻo như một cậu bé mặc dù năm nay anh đã ngoài 32 tuổi. Cũng vì thân hình nhỏ bé của mình, anh luôn bị mọi người rèm pha, trêu ghẹo… Nhưng điều đó cũng không làm nản chí chàng trai nhỏ bé này.

Thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh xuất thân từ một gia đình có bố mẹ làm nghề nông, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bố mẹ anh chạy vạy khắp nơi, từ cô gì chú bác, từ làng xóm láng giềng, từ người lạ đến người quen để chữa trị cho anh, mong anh được cao lớn như bạn bè cùng chăng lứa. Nhưng mọi sự cố gắng của anh và gia đình cũng không thể thắng nổi số phận nên đành chấp nhận.

Khó khăn chưa dừng lại ở đấy, sự đau thương lại ập đến anh và gia đình khi mẹ anh mất vì tai biến, chàng trai tí hon lại rơi vào viễn cảnh mồ côi mẹ từ sớm. Đây là một biến cố lớn trong cuộc đời của anh bởi anh mất đi một người anh có thể dựa vào lúc yếu lòng.

Thấu hiểu được sự yêu thương và kì vọng của bố mẹ giành cho mình, học hết cấp 3 ở Nghệ An, anh Hùng vào Đồng Nai học Trung cấp Kĩ thuật tin học bất chấp ngoại hình không được như mọi người. Vừa đi học, anh vừa đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Học xong Trung cấp, anh quyết định ra Hà Nội và làm công việc thiết kế đồ họa tại Trung tâm Nghị lực sống. Đến đây, được mọi người giúp đỡ, anh trở nên mạnh dạn và thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, dưới sự chỉ dẫn, động viên của chị Nguyễn Thị Vân và anh Công Hùng (cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin chỉ với một ngón tay cử động được), anh đã ngày càng tự tin hơn để truyền cảm hứng, kiến thức và các kỹ năng trong công tác đào tạo tới các bạn học viên khuyết tật có cùng hoàn cảnh như mình.Và kể từ đó, cứ hàng ngày, hàng tuần chàng trai tí hon lại lên lớp dạy công nghệ thông tin cho các học viên của mình.

Ban đầu mới đứng lớp, anh chỉ có thể dạy được từ 1 học viên, 2 học viên. Và sau bao cố gắng, nghị lực và khả năng của chính mình, bây giờ lớp học của anh mang tên “lớp học khổng lồ” bởi số lượng học sinh tăng lên không ngừng.

Lớp học khổng lồ của Thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng (Ảnh do nhân vật tự cung cấp)

Thấm thoát đã 10 năm kể từ khi anh Hùng bắt đầu làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống. Thầy giáo Hùng gắn bó với Trung tâm nghị lực sống không chỉ bằng niềm đam mê dạy học mà còn bởi sự thông cảm với những người khuyết tật. Với anh Hùng, niềm vui lớn nhất trong cuộc sống là dùng hiểu biết, kiến thức để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình, thậm chí hơn mình để họ vượt qua sự tự ti về bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Bởi vậy mà lớp học của thầy giáo Hùng luôn có mặt những học sinh khuyết tật ở nhiều dạng khác nhau, đặc biệt là những học sinh khó khăn trong vận động. Học viên đến trung tâm được sống với chính đam mê của mình bởi các bạn được đào tạo đa dạng ngành nghề như tin học văn phòng, photoshop, ngoại ngữ, kỹ năng mềm,… Chính vì lẽ đó, lớp học của thầy giáo Hùng được nhiều người biết đến.

Anh chia sẻ : “Khóa học không nhất thiết là kéo dài 6 tháng, có những người tiếp thu nhanh, học một vài tháng đã tự đi xin việc, được các công ty nhận vào làm thì các bạn ấy có thể tốt nghiệp.”

Hiện nay, ngoài dạy học và làm công tác quản lý ở Trung tâm, anh Hùng còn làm MC cho chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” trên VTV4, tham gia dự án “Truyền thông thu hẹp khoảng cách”, là thành viên dàn hợp xướng đa dạng do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Môi trường (ISEE) tổ chức, ngoài ra anh thường tổ chức các hoạt động thiện nguyện để gây quỹ cho lớp học, giúp đỡ các bạn ở trung tâm bị khuyết tật nặng hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,…

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng bán ngô gây Quỹ từ thiện (Ảnh do nhân vật tự cung cấp)

Ở độ tuổi ngoài 30, khi công việc của anh ổn định và đi vào quỹ đạo, anh đã  xây dựng gia đình nhỏ cho riêng mình. Anh chia sẻ vợ anh tên Lê Thị Diễm My, làm cùng Trung tâm với anh, cùng mắc chứng bệnh như anh và hai người đã về chung một nhà vào ngày 10/11/2019. Lễ cưới của anh được tổ chức tại quê nhà Nghệ An trước sự chứng kiến và xúc động của nhiều người.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng hạnh phúc cùng vợ ( Ảnh do nhân vật tự cung cấp)

Là người thiếu may mắn về ngoại hình, bằng sự hồn nhiên, ý chí vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, thầy giáo tí hon đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người: Luôn xây dựng “ hình ảnh” tâm trí tốt đẹp để có được những “tính cách” tốt đẹp từ đó giúp chúng ta “lựa chọn” để có những quả ngọt về sau. Cũng như để thực hiện ước mơ của mình thì việc đầu tiên hãy vạch ra rõ ràng, đưa ra kỳ hạn cho ước mơ đó trở thành hiện thực”.

Hiện tại công việc, sự nghiệp, gia đình anh đã ổn định, tuy nhiên anh vẫn chưa dừng ước mơ lại ở đó, anh vẫn luôn cố gắng phấn đấu để mong rằng sau này sẽ mở thêm được một trung tâm Nghị lực sống ở quê nhà Nghệ An, để giúp đỡ các bạn khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

Bùi Hân

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang