Nguyên nhân từ đâu tỷ lệ người khuyết tật có việc làm còn thấp?

(ĐHVO). Hiện nay, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật trong việc tiếp cận với giáo dục dạy nghề, việc làm, song thực tế tỷ lệ người khuyết tật có việc làm vẫn còn thấp, vậy nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu?


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm

Hiện nay, mặc dù các chính sách pháp luật đã được ban hành để tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực việc làm, song vẫn còn đó những khó khăn còn tồn đọng chưa được giải quyết triệt để dẫn đến việc số lượng người khuyết tật được giáo dục, dạy nghề còn thấp. Vậy nguyên nhân từ đâu tỷ lệ người khuyết tật có việc làm còn thấp?

Theo số liệu thống kê từ Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam năm 2016, người khuyết tật có nhu cầu làm việc để có thu nhập và sống độc lập, nhưng chỉ chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm. So với tỷ lệ người không khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 82,4% thì tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm chỉ bằng ¼ tỷ lệ trên.

Dưới góc độ phân chia theo vùng miền, tỷ lệ người khuyết tật có việc làm cao nhất ở vùng Tây Nguyên (39,8%), Trung du miền núi phía Bắc (37,9%) (tuy nhiên ở hai vùng này, tỷ lệ người khuyết tật thân dưới có việc làm lại thấp nhất) và thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (24,3%).

Dưới góc độ phân chia theo giới tính, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới/ Ngân hàng thế giới về người khuyết tật, tỷ lệ có việc làm ở nam giới khuyết tật là 58,6% trong khi ở nữ giới chỉ có 20,1%.

Dưới góc độ phân chia theo các loại tật, nhìn chung tỷ lệ người khuyết tật không có khả năng chăm sóc là thấp nhất (chỉ khoảng 3%), sau đó đến tỷ lệ người khuyết tật về khả năng giao tiếp (khoảng 6%) và cao nhất ở nhóm người khuyết tật nhẹ về đi lại và nhận thức.

Bảng tỷ lệ người khuyết tật đang làm việc trong nền kinh tế chia theo các loại tật và nhóm tuổi. Nguồn: Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam (2016), NXB Thống kê

Dựa vào các số liệu nêu trên có thể thấy, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam được tham gia lực lượng sản xuất nói chung và đang có việc làm nói riêng vẫn còn thấp, từ đó việc bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội đối với người khuyết tật vẫn cần phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời và khả thi.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Nhìn từ thực trạng người khuyết tật tại Việt Nam chưa hoàn toàn được tiếp xúc với giáo dục, đào tạo nghề và việc làm, đây là vấn đề xã hội lớn mà cả cộng đồng cùng quan tâm để xây dựng một xã hội hòa nhập, bình đẳng. Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện về thực trạng và cả nguyên nhân của các hạn chế tồn đọng. Vậy nguyên nhân một bộ phận lớn người khuyết tật tại nước ta hiện nay vẫn chưa được tiếp xúc với việc làm là gì?

Thứ nhất, nguyên nhân chủ yếu đến từ bản thân người khuyết tật. Bởi lẽ, người khuyết tật là những người có hạn chế về chức năng trong khi thực hiện những hoạt động nhất định. Những hạn chế này chính là lý do lớn nhất, là rào cản khiến cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Thông thường, người khuyết tật thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân, điều đó cũng đúng đối với gia đình của họ. Theo số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam năm 2016, chỉ có 88,41% trẻ em khuyết tật được học tiểu học, 74,68% trẻ khuyết tật được học lên cấp THCS và 39,35% đối với cấp THPT. Như vậy, số còn lại trẻ em không được đi học chủ yếu là do hoàn cảnh, điều kiện gia đình không cho phép, tâm lý e sợ khi sợ con em mình không đủ sức khỏe để đi học,… Các số liệu tỷ lệ nghịch với chiều tăng cấp học là điều chứng minh cho hoàn cảnh, điều kiện là nguyên nhân chủ yếu khiến các em không được đi học. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số lượng người khuyết tật không được tiếp cận với việc làm ngày càng tăng. Bị hạn chế giáo dục là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế về trình độ học vấn, từ đó không đạt tiêu chuẩn đối với chất lượng công việc. Bên cạnh đó, đối với những người có trình độ học vấn nhưng còn tâm lý mặc cảm, tự ti trước sự thử thách công việc cũng là một phần nguyên nhân khiến họ khó tìm được công việc phù hợp. Có khoảng 13% người khuyết tật từ 15 đến 59 tuổi đã tốt nghiệp từ tiểu học trở lên trả lời rằng “khuyết tật” là lý do khiến họ không tìm việc làm. Bởi thế có thể nói một người có khiếm khuyết có được coi là bị khuyết tật hay không còn dựa vào sự tương tác của họ với môi trường sống, bởi lẽ từ “khuyết tật” chỉ được sử dụng để chỉ những người đủ điều kiện nhận trợ cấp khuyết tật từ theo một chương trình cụ thể của Chính phủ. Tựu chung lại, trình độ học vấn chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra rào cản tiếp cận với giáo dục, đào tạo việc làm đối với người khuyết tật.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp chưa dang rộng cánh tay giúp đỡ người khuyết tật. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp chưa thực sự chú ý, quan tâm tới vấn đề tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Giải thích cho thực trạng này, một số doanh nghiệp cho rằng người khuyết tật không đáp ứng yêu cầu về thể trạng, sức khỏe, đặc biệt đối với một số ngành nghề đặc thù. Hơn nữa, các quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cũng là điều khiến các doanh nghiệp lưỡng lự trong việc tuyển dụng lao động khuyết tật. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động từ chối lao động khuyết tật còn xuất phát từ lý do quy trình, thủ tục nhận ưu đãi khi sử dụng lao động khuyết tật còn phức tạp do phải gia hạn nhiều lần. Không những thế, điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình làm việc cho người khuyết tật cũng là một trong những lý do doanh nghiệp dùng để từ chối người khuyết tật. Như vậy, có lẽ nhận thức về khả năng của người khuyết tật của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn chưa đầy đủ. Họ đang đánh đồng giữa khả năng hoạt động các chức năng cơ thể với khả năng đạt được chất lượng công việc của người khuyết tật. Điều này là hoàn toàn sai, bởi thực tế đã chứng minh có rất nhiều người khuyết tật đã làm được những điều phi thường mà một người bình thường không làm được, đơn cử như nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới Nick Vujicic, nhà vật lý thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử Stephen Hawking, cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt,… Như vậy, cũng bởi nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng doanh nghiệp về khả năng của người khuyết tật nên đã hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm đối với người khuyết tật.

Thứ ba, hệ thống dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa đáp ứng nhu cầu. Có nhiều nguyên nhân để chỉ ra rằng hệ thống giáo dục, đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Việt Nam còn yếu và thiếu, trong đó yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Bởi lẽ nội dung giảng dạy trong các chương trình giảng dạy đôi khi chưa phù hợp khi lượng kiến thức quá nặng nề, trong khi phần thực hành lại chưa đầy đủ. Không được “học phải đi đôi với hành”, cộng với việc người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận là điều khiến cho người khuyết tật cảm thấy mông lung, mất phương hướng, khó xác định định hướng nghề nghiệp. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên được đào tạo để dạy nghề cho người khuyết tật còn thiếu về cả mặt số lượng lẫn chất lượng. Giáo viên chưa thực sự thấu hiểu với nỗi khó khăn của các học viên người khuyết tật, cơ sở vật chất chưa phù hợp để đáp ứng nhu cầu học tập của học viên,… là lý do được đưa ra nhiều nhất khi nhắc đến hạn chế của các trung tâm dạy nghề. Nhìn vào biểu đồ dưới đây có thể thấy, so với tỷ lệ người khuyết tật biết chữ, tỷ lệ người khuyết tật được đào tạo nghề còn quá ít (gần 10% so với người khuyết tật biết chữ). Vậy câu hỏi đặt ra rằng, hơn 90% người khuyết tật biết chữ mà không được đào tạo nghề thì họ nằm trong nhóm nào? Đó là còn tồn tại một lượng lớn người khuyết tật không chủ động học nghề mà chỉ làm các công việc tạm thời, việc tự do, lao động chân tay… Nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ ngoài sự chủ động của người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm, số lượng trung tâm dạy nghề và sự kết nối giữa các trung tâm với các hội người khuyết tật tại các địa phương còn yếu, hiệu quả chưa cao. Đứng trước số lượng người khuyết tật quá lớn so với số lượng người khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm việc làm mà chất lượng của các trung tâm hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật hoạt động kém hiệu quả thì đây là điều cần phải giải quyết kịp thời.

Biểu đồ tỷ lệ được đào tạo nghề và tỷ lệ biết chữ của người 15 tuổi trở lên. Nguồn: Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam (2016), NXB Thống kê

Thứ tư, một số quy định, chính sách pháp luật về ưu đãi thuế chưa thực sự phù hợp. Trước đây, Bộ luật lao động 2012 quy định các doanh nghiệp bắt buộc nhận từ 2-3% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật lao động 2019 đã thay đổi nội dung này khi quy định khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật. Kết hợp với quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, vô hình chung đã khiến cho doanh nghiệp viện cớ để từ chối cơ hội việc làm của người khuyết tật. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi thuế khi sử dụng lao động khuyết tật khi được thực thi còn tồn đọng nhiều hạn chế. Đơn cử như quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người khuyết tật thì cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật (thuần túy là người khuyết tật) sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tinh thần của khoản 4 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì mức 30% để miễn thuế tính cộng dồn bao gồm tất cả các nhóm đối tượng “người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp”. Đây là hai quy định chưa đồng nhất, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế khi làm thủ tục chốt thuế. Bên cạnh đó, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động với quy mô rất lớn đến vài trăm nghìn lao động, nên có thể sử dụng số lượng lớn người lao động là người khuyết tật làm việc nhưng không thể đạt được tỷ lệ 30% trên tổng số lao động, trong khi pháp luật quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho chủ thể sử dụng người lao động là người khuyết tật làm việc đủ điều kiện luật định “từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật”…

Suy cho cùng, nguyên nhân dẫn đến tính trạng tỷ lệ người khuyết tật có việc làm còn thấp xuất phát từ nhiều phía, vừa chủ quan lẫn khách quan. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện và cụ thể, tìm ra giải pháp đúng đắn, giải quyết triệt để các hạn chế, bất cập đã và đang tồn tại, từ đó đảm bảo người khuyết tật sẽ có công ăn việc làm ổn định, thể hiện tài năng, đóng góp công sức kiến thiết đất nước.

Hồng Thái

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang