Nguyên nhân gây nên chậm phát triển trí tuệ ở trẻ?

(DHVO). Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 11 tháng 1 năm 2019 do Tổng cục thống kê và Qũy Nhi đồng Liên hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp tổ chức, nước ta hiện nay có khoảng 5 triệu hộ gia đình có người khuyết tật, số lượng người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên khoảng 6,2 triệu người chiếm 7% dân số.

Huấn luyện trẻ tự kỉ tại Tâm Việt. Ảnh  Minh Cao.

Thế nào là người khuyết tật?

Luật người khuyết tật năm 2010 quy định cụ thể về người khuyết tật và phân thành 6 loại khuyết tật khác nhau, bao gồm:

Thứ nhất, khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

Thứ hai, khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

Thứ ba, khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

Thứ tư, khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

Thứ năm,  khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

Thứ sáu, khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp trên.

Trong các loại khuyết tật nói trên, khuyết tật trí tuệ là dạng tật có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức và có thể đi kèm với các dạng tật khác, việc phát hiện sớm, tìm hiểu nguyên nhân và tổ chức cán thiệp sớm cho trẻ là điều vô cùng cần thiết đối với các bậc cha mẹ và cộng đồng.

Chậm phát triển trí tuệ là gì?

Trẻ được chẩn đoán là chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) có chức năng trí tuệ dưới mức trung bình, tức là chỉ số trí tuệ (IQ) đạt thấp hơn 70 trên một lần thực hiện trắc nghiệm cá nhân. Đối với trẻ nhỏ, tiến hành đánh giá lâm sàng để xác định, trẻ bị CPTTT bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết ít nhất là hai trong số lĩnh vực hành vi thích ứng sau: giao tiếp, tự chăm sóc, sống tại gia đình, các kỹ năng xã hội/ liên cá nhân, sử dụng các phương tiện trong cộng đồng, tự định hướng, kỹ năng học đường chức năng, làm việc, giải trí, sức khỏe và an toàn.

Các mức độ chậm phát triển:

Chậm phát triển mức độ nhẹ: Chiếm khoảng 80% trong số các trẻ chậm phát triển được phát hiện, chỉ sô IQ đo được từ 55 – 70, có thể đi học bình thường, nhưng cần kèm cặp và rèn luyện nhiều.Trẻ hạn chế về kỹ năng viết và đọc, không thể tự đưa ra quyết định. Mất tương đối thời gian để học các kỹ năng bình thường như giao tiếp ứng xử, nhưng nếu phương pháp dạy đúng cách, trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể và có thể tự chăm sóc cũng như sống tự lập khi trưởng thành.

Chậm phát triển mức độ trung bình: chỉ số IQ từ 35 – 55, trẻ khá chậm, tuy nhiên trẻ cũng có thể thực hiện một số công việc đơn giản nếu như được hướng dẫn. Khả năng đọc và viết thì cần phải can thiệp nhiều hơn so với trẻ ở mức độ nhẹ. Trẻ gặp khó khăn khi phải tự chăm sóc, hay tự lập một mình.

Chậm phát triển mức độ nặng: chỉ số IQ từ 20 – 35, Trẻ có thể học một số kỹ năng cơ bản về hành vi cũng như khả năng ứng xử, nhưng cần sự nỗ lực và kiên trì rất nhiều từ các bậc phụ huynh. Bởi lúc này trẻ có mức độ nhận thức rất chậm, cần phải tác động và lặp đi lặp lại rất nhiều lần trẻ mới có thể thực hiện được. Trẻ không thể sống tự lập, cần có sự giám sát.

Chậm phát triển đặc biệt (rất nặng): chỉ số IQ <25, chiếm 1 – 2%. Trẻ có thể giao tiếp nhưng rất khó để hiểu ra vấn để trẻ định nói, cần có sự hỗ trợ, chăm sóc của người khác.

Vì sao trẻ chậm phát triển trí tuệ?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trẻ CPTTT, có thể kể một số nguyên nhân như sau:

* Nhóm nguyên nhân trước khi sinh

– Do di truyền:

+ Do lỗi nhiễm sắc thể: Gây hội chứng Đao (cặp nhiễm sắc thể 21 có thêm một nhiễm sắc thể), Criduchat (thiếu một phần thuộc nhiễm sắc thể số 5), Turner (thiếu cả một nhiễm sắc thể). Với những trẻ mắc phải các hội chứng này, người ta còn có thể quan sát được những rối loạn bên ngoài.

+ Do lỗi gen: Gây bệnh PKU, San Filippo (hiện tượng di truyền lặn ở nhiễm sắc thể thường); u xơ dạng củ (hiện tượng di truyền trội ở nhiễm sắc thể thường), gãy nhiễm sắc thể X (hiện tượng di truyền lặn, liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính, thường xảy ra ở các bé trai), hội chứng Rett (hiện tượng di truyền trội, liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính, thường xảy ra ở các bé gái, nếu bé trai mắc phải hội chứng này sẽ chết trước khi sinh), hội chứng Willams Beuren (cặp nhiễm sắc thể số 7 mất một phần).

+ Rối loạn do nhiều yếu tố: Nứt cột sống, thiếu một phần não, tràn dịch màng não, đầu nhỏ, rối loạn chức năng tuyến giáp.

– Do các yếu tố ngoại sinh

+ Do lây nhiễm: Trong quá trình mang thai, người mẹ bị một trong các loại bệnh lây nhiễm sang con như: Rubella (sởi Đức), nhiễm toxoplasmosis, giang mai hay HIV.

+ Do nhiễm độc: một số loại dược phẩm do người mẹ dùng như: thuốc chống động kinh, rượu cồn, do chụp tia X, chất độc màu da cam, kháng thể Rhesus.

Do suy dinh dưỡng ở người mẹ hoặc thiếu I-ốt trong thức ăn, nước uống.

* Nhóm nguyên nhân trong khi sinh:

– Trẻ bị U não: Tổn thương do khối u hoặc do liệu pháp y học như phẫu thuật, dùng hóa chất, sử dụng tia X, ….

– Thiếu ôxy: thời gian sinh quá lâu, trẻ không thở hoặc không khóc ngay sau khi sinh.

– Tổn thương trong khi sinh: Tổn thương não hoặc chảy máu não do mẹ đẻ khó, dùng kẹp forceps để kéo đầu trẻ.

– Đẻ non hoặc thời gian mang thai của mẹ đủ nhưng đứa trẻ quá nhỏ.

Nguyên nhân sau khi sinh:

– Viêm nhiễm: Viêm màng não gây ra do bệnh sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu và lao phổi (có thể gây tràn dịch màng não sau này).

– Nhiễm độc: Các loại hoá chất, ô nhiễm môi trường, nhiễm độc chì…

– Nguyên nhân từ môi trường xã hội: Không được chăm sóc đầy đủ về y tế và thể chất, thiếu thốn về tâm lý xã hội, trẻ ít có cơ hội đến trường…

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: nguyên nhân do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, học tập, vui chơi … hoặc do chiến tranh, bạo loạn…

Để phòng tránh và hạn chế những nguyên nhân gây nên khuyết tật trí tuệ ở trẻ, các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng và đủ từ đó có các biện pháp phòng tránh các tác nhân gây ra và xây dựng cho mình các kỹ năng chăm sóc trẻ, xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ phù hợp, tạo môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh và hợp vệ sinh.

Văn Dương

 

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang