Nguyễn Mai Anh – Người họa sĩ nghị lực đa tài

(ĐHVO). Đúng như câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, Nguyễn Mai Anh – người họa sĩ đầy nghị lực tại vùng quê Nam Định đã dùng chính đôi tay của mình để vẽ lên những bức tranh tô đẹp cho đời.

Một ngày nắng đẹp của tháng 7, chiếc xe ôtô chở chúng tôi đi trên con đường tỉnh lộ 21 để đến với một làng quê Việt đầy nét đẹp của sự mộc mạc, chân chất. Sau nhiều năm tôi mới được về lại huyện Xuân Trường, nếu trước đây là những con đường đất, ruộng đồng trải dài, người dân chăm chỉ làm nông thì ngày nay là những con đường bê tông kiên cố được hoàn thành theo chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

Chúng tôi tới thăm ngôi nhà của người họa sĩ đa tài Nguyễn Mai Anh (sinh năm 1972) – Phó Chủ tịch hội Người khuyết tật (NKT) huyện Xuân Trường. Nằm trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà của gia đình anh rộng rãi, khang trang với sự hòa quyện các màu sắc nhẹ nhàng, sang trọng khiến cho tôi phải thốt ra đây là ngôi nhà mơ ước. Những tia nắng hè chiếu lên ngôi nhà, nổi bật là bức tượng Mẹ Maria trước khuôn viên nhà của người con ngoan đạo kính Chúa, yêu Cha.

Ngôi nhà của anh Nguyễn Mai Anh

Anh Mai Anh với dáng hình đặc biệt di chuyển niềm nở đón chúng tôi bằng đôi tay của mình, đôi ủng cao su che khuất hết nửa dưới thân người. Đó là một đôi tay đã đầy vết chai sạn đã phải trải qua nhiều sương gió, thay cho đôi chân giúp anh di chuyển và bước những bước đi trên đường đời. Không những vậy, ở anh Mai Anh toát lên niềm hy vọng, sự lạc quan và vui vẻ từ chính trong ánh mắt anh và có như vậy, anh mới có thể trải qua rào cản của bản thân, bứt phá để có thành quả như ngày hôm nay.

Anh dẫn chúng tôi đến với căn phòng nơi anh làm việc hàng ngày dù chỉ rộng chừng 40 mét vuông nhưng lại tràn ngập những bức tranh sơn dầu màu sắc toát lên niềm đam mê cháy bỏng của tác giả và am hiểu kiến thức về hội họa. Nghĩ về những ngày tháng đã qua, anh trầm tư tâm sự với chúng tôi về cuộc đời đầy thăng trầm:Thời đó, học xong trung học, niềm đam mê hội họa đã bén duyên tự bao giờ mà chính bản thân tôi không biết. Ước mơ được hiện thực hóa khi tôi thi đỗ trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Nhập học trong hình dạng của cậu bé lớp năm làm cho nhiều học sinh trong trường không khỏi thắc mắc. Với họ, tôi thật ngộ nghĩnh, tuy nhiên cũng có một vài bạn học có những thái độ kỳ thị.” Anh không thể làm được gì với đôi chân teo nhỏ, chỉ còn lại đôi tay với niềm đam mê môn nghệ thuật hội họa đòi hỏi đầy sự sáng tạo và trải nghiệm.

Họa sỹ Nguyễn Mai Anh đang hoàn thiện tác phẩm tranh của mình

Ba năm học trôi qua với tài năng và sự kiên nhẫn, anh hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp ra trường. Khi mới ra trường để được ở lại chốn đô thị phồn hoa, nơi đất thủ đô đầy náo nhiệt, cũng như bao sinh viên khác anh đã phải sống tạm bợ, nay đây mai đó, cuộc sống ở trọ, cơm hàng, cháo chợ vất vưởng với những đồng tiền kiếm được từ việc sao chép tranh trong năm năm. May mắn lắm có những bức họa bán được với giá cao nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cuộc sống là vậy, nó vốn dĩ đã không hề trải hoa hay thảm đỏ dù với bất cứ còn người lành lặn nào, huống gì với anh.

Kết thúc những tháng ngày rong ruổi nơi chốn đô thành nhiều gian nan vất vả, anh về với gia đình với quê hương của mình và bắt đầu lập nghiệp trên chính nơi mình sinh ra ấy. Thiếu đi sự toàn vẹn của đôi chân, nhưng với sự thông minh nhanh nhạy, cùng với những kiến thức sống trong khoảng thời gian lăn lộn nơi thủ đô náo nhiệt, anh bắt tay vào kinh doanh đủ thứ nghề: sao chép, vẽ tranh ảnh. Mỗi bức họa hoàn thành anh cũng kiếm được vài trăm nghìn. Ngoài ra, anh còn nhận thiết kế trang trí nội thất cho những căn nhà đang xây mới. Sự tâm huyết yêu nghề, cùng ước mơ về hội họa đã chứng tỏ tài năng của anh với mọi người trong làng và được gần xa đón nhận.

Cũng từ đấy, anh thành lập cho mình đội thợ trang trí nội thất hùng hậu. Sự uy tín, chân thành cùng sự cởi mở, nhiệt tình của cậu chủ nhỏ trên chiếc xe ba bánh khiến cho bao người cảm mến, không chỉ những người công nhân gắn bó mà cả những người bạn hàng dù lạ hay quen. Cứ vậy, tiếng tăm của anh ngày càng nhiều người biết đến. Dù chưa phải là quy mô kinh doanh chưa lớn nhưng anh cũng tạo công ăn việc làm cho hơn chục thanh niên trong làng với mức lương thu nhập mỗi tháng gần chục triệu đồng.

Một thoáng gợi buồn khi anh nói về gia đình nhỏ của mình, niềm vui chưa được trọn vẹn bởi ảnh hưởng từ di chứng teo cơ từ nhỏ. Cho đến nay cũng đã được 16 năm anh kết duyên cùng chị, người vợ anh kém anh gần 20 tuổi. Hai vợ chồng nương tựa vào nhau cùng nhau quản lý công việc. Mới đây, anh chị phấn đấu mở thêm được cửa hàng bán đồ nội thất ở thị trấn Ngô Đồng. Việc kinh doanh nhiều năm nay rất thuận lợi nhưng trong gia đình vẫn trống vắng tiếng cười, tiếng khóc của con trẻ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào tại địa phương. Hiện, anh đang đảm nhận chức vụ Trưởng ban an ninh giáo họ nhà xứ Quần Cống. Anh còn tham gia cùng câu lạc bộ thiện nguyện của giáo phận Bùi Chu. Tại đây, anh được tín nhiệm và bầu là Chủ tịch câu lạc bộ nhân đạo của giáo phận với nhiệm vụ khảo sát, kiếm tìm, kết nạp, trợ giúp cho những người khuyết tật gặp khó khăn trong giáo phận. Anh kể, nhiều khi có những hoàn cảnh rất đáng thương. Nhiều người tàn tật khó khăn không nơi nương tựa được mọi người biết và giới thiệu để kết nạp vào Câu lạc bộ khuyết tật của giáo phận. Ở đó, họ được hỗ trợ một phần để giảm bớt khó khăn bằng nguồn kinh phí có được từ các nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm từ khắp nơi trong và ngoài nước. Hơn ai hết, anh thấu hiểu hoàn cảnh của họ, thấu hiểu sự thiếu thốn, sự thua thiệt của những con người không may mắn trong xã hội.

Cầm trên tay chiếc cặm chuột được làm rất công phu bằng những sợi thép, anh hồ hởi khoe sản phẩm được làm ra từ những thành viên trong câu lạc bộ NKT của mình, hiện đang tiêu thụ mạnh trên thị trường, được nhiều người tin dùng bởi tính hiệu quả và sự thân thiện với môi trường. Anh cho biết, anh đang cùng một số anh em trong hội NKT huyện Xuân Trường thành lập Hợp tác xã dành cho các hội viên NKT huyện Xuân Trường. Anh định hướng cho các Hội viên chuyên sản xuất các mặt hàng dân dụng như cặm chuột, một số mặt hàng thủ công may mặc. Và anh mở rộng phòng tranh của mình, tạo điều kiện để những hội viên có đam mê nghệ thuật hội họa cùng trao đổi, học hỏi.

Quang cảnh buổi làm việc tại phòng tranh của họa sỹ Mai Anh

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang đều đặn chín tiếng của nhịp sống êm đềm. Chia tay anh, chúng tôi rảo bước trên con đường nhỏ. Tiếng sáo diều ngân nga đùa giỡn trên bầu trời, màn đêm bao phủ không gian như giấu đi cánh diều no gió và nơi ấy có một họa sĩ đầy nghị lực nung nấu những bức tranh, hoạt động nhân văn tô đẹp người, cho đời mặc những khiếm khuyết.

Trần Hồng

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang