Nguyễn Ái Quốc-Tổng Biên tập Báo “Việt Nam Độc lập”

(ĐHVO). Năm 2015, tôi tham gia làm bộ phim tài liệu lịch sử ở Việt Bắc.Trong quá trình khai thác tư liệu, chúng tôi xúc động khi tìm thấy những tư liệu về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm Tổng biên tập Báo Việt Nam Độc lập (VNĐL). Đây là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau đó là cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Liên tỉnh Việt Minh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Có lẽ, trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, không có tổng biên tập nào lại đa năng và chịu thiếu thốn, khổ cực như Tổng biên tập Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Năm 1941, sau khi về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII tại Pác Bó, Cao Bằng, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng nước ta và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Ba tháng sau, vào ngày 1/8/1942, tờ báo VNĐL ra số đầu tiên ra đời. Khổ báo 20cm x 30cm, in hai trang. Tin, bài gọn, gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của đồng bào các dân dân tộc thiểu số. Để có khuôn in VNĐL, Người cùng các cán bộ địa phương tìm kiếm trong rừng những phiến đá mềm, thớ đá mịn đem về mài nhiều ngày tạo  khuôn in. Dù bận trăm công nghìn việc; dù phải làm việc, ăn ngủ trong hang đá để tránh sự truy lung của bọn quan lang, tay sai, mật thám Pháp, Lãnh tụ  – Tổng biên tập Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo Tòa soạn bảo đảm mỗi tháng ra ba kỳ báo. Người trực tiếp duyệt bài, viết bài, vẽ tranh minh hoạ, đôi khi Người còn đi lấy tin, phát hành. Trong thời gian này, tờ báo đã thông tin thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nêu gương đồng bào các dân tộc Việt Bắc ủng hộ cách mạng, cách tổ chức đoàn thể Việt Minh, bài học tăng gia sản xuất, xóa mù chữ, cách xây dựng khu căn cứ, chiến khu v.v. Những bài thơ và diễn ca nổi tiếng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như: Hòn đá to, hòn đá nặng; Khuyên bạn thanh niên; Dân cày;Tặng cho đội tự vệ phụ nữ; Con cáo và tổ ong; Ca Việt Minh; Ca tự vệ đội; Ca người lính; Ca du kích; Ca phụ nữ; Ca sợi chỉ… đều được in trên Báo VNĐL.

Không chỉ viết bài chính luận thể hiện quan điểm lập trường và mục đích tôn chỉ hoạt động của báo mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn sáng tác nhiều thơ ca, vẽ nhiều tranh minh hoạ hấp dẫn, sinh động, tuyên truyền cổ động cho báo VNĐL và chủ trương đường lối của Mặt trận Việt Minh.

Trên báo VNĐL số 103 (số 3) ra ngày 21-8-1941, đã đăng bức tranh của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cổ động báo. Người sử dụng ngay số nét của bốn chữ trên tờ báo (VNĐL) để vẽ thành một thanh niên Việt Nam cường tráng, đầu đội nón (dấu của chữ Ô) tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng thổi kèn loa (chữ Đ được viết hoa cách điệu thành cái kèn), cổ động đồng bào cùng nhau đứng lên “cứu nước Nam ta”; kèm theo bài thơ phụ đề ở dưới:”Việt Nam độc lập thổi kèn loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta”

Sau khi rời Cao Bằng đi Trung Quốc, Người giao  Báo VNĐL cho đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách, tiếp tục xuất bản cho tới ngày Cách mạng tháng Tám thành công với 141 kỳ báo.

Báo VNĐL hoàn toàn do dân nuôi. Mục “Cám ơn” của báo ghi người ủng hộ từng lon ngô, lon gạo, từng ký muối, từng viên thuốc kí ninh. Báo in trên đá rất cần chanh để  tẩy chữ in trên đá, tiếp tục in số mới. Báo ra ngày 18-2-1944, trên trang nhất nổi bật dòng chữ kêu gọi đồng bào ủng hộ chanh: “Chanh! Chanh! Chanh!/ Nhà báo cần chanh/Anh em ủng hộ cho nhanh”. Trên số báo ra ngày 11-10-1943, tòa soạn hô hào vận động đồng bào ủng hộ thuốc sốt rét: “Ký ninh! Ký ninh! Ký ninh! Ký ninh gì cũng được, vàng, trắng, bột đều quý. Nhiều, ít đều quý.Hơn 10 ngày sau tòa soạn đã nhận được ký ninh của đồng bào. Báo ra ngày 1-11-1943 có mục “Đặc biệt cám ơn” như sau: “Vừa rồi đồng chí T. L. ở xã TX và đồng chí T. N. ở xã G. T, tổng V. A. châu T.P ủng hộ báo một số ký ninh. Tính ra 5 viên ký ninh có thể trị một cữ sốt rét, nghĩa là tránh không sốt rét 10 ngày và 10 ngày ấy công tác lợi cho đoàn thể nhiều lắm. Nhà báo có lời cảm ơn hai đồng chí và hô hào anh chị em hết sức ủng hộ ký ninh cho nhà báo”.

Ra đời trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, hoạt động trong điều kiện hạn chế, thiếu thốn mọi bề nhưng báo Việt Nam Độc Lập đã góp phần quan trọnga vào sự nghiệp tuyên truyền vận động giải phóng dân tộc của nhân dân ta mà đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi vẻ vang.

Cao Thâm (T/h)

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang