Họa sỹ – Người thầy tài năng
Đã từ lâu với giới yêu nghệ thuật hội họa Việt Nam thì cái tên Nguyễn Tuấn Sơn không còn xa lạ nữa, người ta trìu mến gọi Anh bằng nghệ danh “Sơn Kiều” bởi sau hơn 20 năm theo đuổi đề tài về những nhân vật trong chuyện Kiều của nhà văn hóa thế giới Nguyễn Du, con số những bức tranh anh sáng tác và trển lãm về nhân vật nàng Kiều đã hơn 7 ngàn bức!
Con tuấn mã quê hương Thái Bình tốt nghiệp Cao đẳng Nhạc họa Trung ương từ khi còn rất trẻ, nhưng để đi trọn đam mê Nguyễn Tuấn Sơn đã học lên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được 5 năm, nhưng với Sơn điều anh tâm đắc, lại không phải là những dấu ấn để lạisau những triển lãm tranh về nàng Kiều về nữ sỹ Hồ Xuân Hương, mà người lái đò 20 năm giảng dạy tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học sư phạm Hà Nội) nhớ nhất, chính là những người học trò hết sức đặc biệt.
Nguyễn Tuấn Sơn và tác giả bài viết bên bức tranh dành bán đấu giá gây quý triển lãm cho trẻ khuyết tật.
Mỗi đứa trẻ là một thiên tài
Trong môi trường sư phạm, được dạy những đứa trẻ từ nhỏ, với thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn, điều anh tâm niệm nhất, chính là câu nói của Albert Einstein “Mỗi đứa trẻ là một thiên tài” nên thầy Sơn luôn tìm kiếm những cơ hội để kích lệ tài năng cho các em. Năm 2017 thầy trò lớp họa “Picas Sơn” đã có một triển lãm với hơn 100 bức tranh của các em, mang tên “Chắp cánh ước mơ khoa học” tại trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace). Những bức tranh được lấy cảm hứng từ bộ sách « Khoa học chẳng khó » được đánh giá rất cao trong việc kích lệ các em đến với văn hóa đọc, đến với sự say mê tìm tòi về khoa học bằng lăng kính của ngôn ngữ hội họa.
Học trò lớp họa Picas Sơn luôn được thầy tìm kiếm các cơ hội để tài năng tỏa sáng, như tham dự cuộc thi sáng tác “Các nhân vật trong câu chuyện Châu Âu” nhân tuần lễ Văn hóa châu Âu vừa qua. Người xưa đã nói “Người phát hiện ra năng khiếu, ươm mầm tài năng cho ta, là người sinh ra ta lần thứ hai trong đời” đó là câu chuyện năm 2019 của cậu bé Nguyễn Thanh, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Tất Thành học trò của thầy Sơn, đoạt giải “Khán giả bình chọn” tại vòng chung kết thế giới Cuộc thi vô địch thiết kế đồ họa thế giới (ACAWC) tại Mỹ, có thể gây bất ngờ với nhiều người khi Thanh đã vượt qua các đối thủ nặng ký đến từ hơn 50 quốc gia khắp nơi trên thế giới, nhưng với những ai đã biết đến thầy Nguyễn Tuấn Sơn thì không bất ngờ, bởi từ trước đó câu chuyện cô bé Hà Phương biết vẽ từ 5 tuổi, 10 tuổi có triển lãm riêng nhờ tay thầy Sơn đào tạo đã vang xa lắm. Cho đến tận bây giờ, chị Kim Hoa mẹ của Hà Phương chưa hết xúc động kể: Khi thầy Sơn đến nhà chơi, vô tình thấy bức tranh cháu vẽ, thầy quả quyết xin nhận dạy cho cháu vẽ từ lúc cháu mới 5-6 tuổi, đến năm Hà Phương 10 tuổi, thầy động viên gia đình mở cho cháu một cái triển lãm cá nhân, phải nói gia đình rất hoang mang, vì cả nhà không ai làm nghệ thuật, nhưng vì tin thầy nên đã làm triển lãm “Ước mơ xanh” cho cháu.
Triển lãm tranh của cô bé 10 tuổi ấy, đã gây bất ngờ cho nhiều người am hiểu hội họa, nhưng với Tuấn Sơn điều ấy không quan trọng bằng việc anh đã phát hiện và đánh thức tài năng cho tương lai, đặc biệt những tài năng có hoàn cảnh khác bạn bè cùng trang lứa.
Lớp học “Hy vọng xanh” là tên gọi lớp học hội họa trên tầng 6 khoa Bệnh máu trẻ của “Viện huyết học và truyền máu trung ương”. Cứ mỗi chiều thứ 6 lại rộn rã tiếng cười, các em bệnh nhân vẫn còn lằng nhằng dây truyền máu, truyền dịch, say mê với những mảng màu, những nét vẽ mà quên đi cơn đau đang giày vò cơ thể non nớt của mình. Thầy Nguyễn Tuấn Sơn tâm sự “Khác với các lớp học khác, lớp học này không nhằm khai thác phát triển tài năng mà điều mong muốn nhất là tạo cho các em một liều thuốc tinh thần bằng ngôn ngữ của mỹ thuật vốn bình an và xoa dịu mọi nỗi đau để phần nào quên đi bệnh tật của các con”
Có chứng kiến các em say mê với nét vẽ, mà vẫn thoáng nhăn mặt vì đau mới thấy cảm phục người thầy không chỉ dạy miễn phí, tài trợ mọi họa phẩm cho các em mà thầy đến từng giường bệnh động viên các con, dạy các con vẽ bằng cả tình thương chứa chan, như muốn giằng lấy sự sống, muốn những ngày dù ngắn nhất cũng phải tươi mầu.
Vậy mà có em, hôm qua còn đến lớp, đến hôm nay bức tranh vẽ giở vẫn còn trên giá kia..
Khi ngôn ngữ bất lực…
Sơn có một người bạn yêu hội họa, anh ấy là chuyên gia về lĩnh vực hòa nhập, trong những lần chuyện trò, câu chuyện về Ludwig van Beethoven nhà soạn nhạc thiên tài, là nhạc sỹ mà ông lại bị điếc, đó thật là sự chớ trêu, nhưng không vì khiếm khuyết đó mà ông gác lại đam mê hay câu chuyện về họa sỹ thiên tài Vince VanGogh vốn là một người bị tự kỷ.. Những câu chuyện đó thôi thúc Sơn “Phải dậy vẽ cho những em thiệt thòi”. Vậy là một lớp học đặc biệt ra đời.
Học trò chỉ có ba người: Trọng Việt, Hoàng Hoa, Bảo Châu các em đều là trẻ khiếm thính. Một lớp học hoàn toàn tĩnh lặng, thầy và trò giao tiếp với nhau bằng cách viết ra giấy, nhưng đều chung một “ngôn ngữ”- ngôn ngữ của hội họa, đúng như danh họa Leonardo DaVinci từng nói “Khi ngôn ngữ bất lực, hãy để nghệ thuật lên tiếng” thông qua ngôn ngữ đặc biệt ấy, những bức tranh của các em đã bầy tỏ một khát vọng về một Hà Nội xanh, về những ngôi trường hòa nhập cho trẻ khuyết tật, về tình bạn bè…Mỗi bức vẽ là một thông điệp không lời đầy yêu thương chạm đến trái tim người xem.
Nguyễn Tuấn Sơn mơ ước “Sẽ có một triển lãm của các họa sỹ nhí đặc biệt này vào Ngày Quốc tế người khuyết tật thế giới mùng 3 tháng 12 tới đây”. Với tôi, tôi tin chắc ước mơ ấy sẽ thành hiện thực.
Trần Quốc Nam