(ĐHVO). Đất nước Việt Nam đau thương đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Để có được một đất nước Việt Nam tự do, tươi đẹp như ngày hôm nay, chúng ta cần phải biết ơn lớp lớp cha ông đi trước – những người sẵn sàng hy sinh thân mình, không ngại khó, ngại khổ đánh đuổi giặc ngoại xâm, gồng mình giữ vững non sông đất nước. Chiến tranh đã qua đi nhưng những nỗi đau nó để lại vẫn còn âm ỉ trong trái tim con người Việt Nam, đặc biệt là đối với những người thương binh, những người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nỗi đau này hằn sâu hơn bao giờ hết. Đáp lại những đóng góp lớn lao của các ông bà, các bác, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đền ơn đáp nghĩa, đây chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Bởi vậy, sẽ thật xót xa nếu vẫn còn trường hợp những người Thương binh không được đối xử tôn trọng, bình đẳng, không nhận được sự đền đáp xứng đáng với những gì họ đã hy sinh, cống hiến.
Đơn đề nghị phản ánh của ông Hinh
Ngày 22/10/2021, Tạp chí điện tử Đồng Hành đã nhận được đơn đề nghị phản ánh của cụ Nguyễn Xuân Hinh về việc chính quyền địa phương đã có sự đối xử không công bằng với cụ – người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã công hiến, hi sinh vì dân vì nước.
Theo lời kể của ông Hinh: Ông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bố mẹ mất sớm, một mình ông nuôi hai em nhỏ khôn lớn thành người. Trong lúc tình hình chiến tranh Việt Nam hết sức căng thẳng, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, ngày 12/4/1963, ông đã giao chuyện nhà cửa vẫn đang khó khăn, giang dở cho người vợ mới cưới để lên đường nhập ngũ. Lúc bấy giờ, ông công tác ở lữ đoàn 239 của Bộ tư lệnh Công binh, đóng quân ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Cuộc sống quân ngũ hết sức vất vả, ông và các đồng đội phải ngày đêm vượt sông, tháo gỡ bom mìn. Nhưng với tinh thần của người bộ đội Cụ Hồ, được Đảng, Nhà nước rèn luyện, được nhân dân tin yêu, vượt qua những khó khăn gian khổ, phấn đấu vươn lên ông và toàn đội đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. Trong đó phải kể đến: làm nhiệm vụ tháo gỡ bom tại cảng Hải Phòng, trên các trục đường giao thông, ở Quảng Ninh, Uông Bí; trực tiếp tham gia trục vớt khí tài (những dụng cụ, thiết bị, máy móc dùng trong quân sự) trên sông, đảm bảo cho người, xe, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các quân chủng, binh chủng vượt sông an toàn; được vinh dự đón Bác Hồ nhiều lần về thăm đơn vị… Năm 1968, đơn vị 239 Bộ tư lệnh Công binh của ông được tin tưởng giao nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn ở Linh Cảm, Nam Đàn, Nghệ An, đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào miền Nam chỉ đạo chiến dịch Mậu Thân.
Thương binh Nguyễn Xuân Hinh (Ảnh do ông Hinh cung cấp)
Nhờ những cống hiến của mình, ngày 06/11/1978, ông được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong suốt quá trình cống hiến, ông đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng: 02 Huân chương chiến công hạng nhì; 01 Huân chương kháng chiến hạng nhì; 03 Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3; 10 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua quyết thắng và 30 bằng khen các loại. Năm 2010, ông Hinh vinh dự là 01 trong số 1000 Anh hùng tiêu biểu Thời đại Hồ Chí Minh, được Đảng, Nhà nước mời tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tại quê nhà, bà Hoàng Thị Viên – vợ của ông cũng tham gia dân quân du kích, văn hóa tuyên truyền và có bằng khen Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
(Ảnh do ông Hinh cung cấp)
Trải qua những lần “thập tử nhất sinh”, mưa bom, bão đạn của kẻ địch, ngày 01/7/1987, do hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bà Viên ốm nặng sau quá trình phục vụ kháng chiến, con cái nheo nhóc nên ông viết đơn xin được chuyển công tác về phục vụ tại địa phương. Trở về quê nhà Thanh Hóa, ông mang theo bên mình là niềm phấn khởi được đoàn tụ với gia đình người thân, là những nỗi đau, “dấu tích” khốc liệt, không thể xóa nhòa của chiến tranh – ông là thương binh hạng 3/4 tỷ lệ thương tật 55%.
Khi về đến quê hương, vì gia đình đông người, không đủ chỗ để sinh sống nên một thời gian sau đó, năm 1996, ông được các cấp lãnh đạo Thôn Bùi và xã Tiến Lộc cấp san hộ cho hai suất đất (vì ông có hai con trai) có diện tích là 437m2.
Tuy nhiên, khu đất đó nằm dưới đường điện 35 KV của thôn, việc sinh sống vừa không an toàn, vừa không đúng quy định của pháp luật nên vào năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định cấp đổi cho gia đình ông nơi ở đảm bảo hơn. Được sự cho phép của chính quyền, trên diện tích đất được cấp đổi này, ông đã xây một ngôi nhà 02 tầng có diện tích 115m2; sau đó các con dựng vợ, gả chồng, việc sinh sống ở căn nhà trên quá chật hẹp nên ông xây thêm căn nhà cấp bốn khoảng 200m2 cho các con có nơi trú mưa, trú nắng, phần đất còn lại ông làm vườn trồng cây lâu năm. Tính đến nay, gia đình ông cũng đã sinh sống ổn định được hơn 15 năm nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Là một người dân đơn thuần, sinh ra lớn lên tại một vùng quê nghèo cho đến khi được nhập ngũ, ông chỉ biết mình làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm sao để quân ta chiến thắng chứ đâu biết hết về quy định pháp luật thời bấy giờ? Một phần là không hiểu biết về pháp luật, nhưng phần nhiều là sự tin tưởng vào Đảng, vào chính quyền địa phương, vào sự thẳng thắn, trung thực của các cán bộ, do vậy khi được chính quyền giao đất nhưng không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào, ông cũng không hỏi han, yêu cầu gì mà yên tâm sinh sống. Vậy mà trải qua hơn 20 năm, qua rất nhiều thế hệ cán bộ, việc giao đất cho gia đình ông lại trở nên “không có căn cứ”. Chính vì không có giấy tờ nào khác để chứng minh nên chính quyền sau này lại coi việc giao 437m2 cho gia đình ông là “không có thật”. Trong khi thực tế tất cả các hộ dân được cấp đất san hộ tại thời điểm đó cùng chủ tịch UBND xã năm 1996 – những người tham gia họp để giao đất đều xác nhận gia đình ông được giao 02 suất đất do có 02 người con sinh đôi.
Có thời điểm, do nhận được rất nhiều thông tin liên quan đến việc giao đất ở đảm bảo nên ông nghĩ rằng: với chế độ ưu tiên cho người có công với cách mạng, mình sẽ được cấp thêm 1 thửa đất nữa ngoài thửa đất 437m2 được giao năm 1996. Trong suốt thời gian từ năm 2004, ông được giao đất ra nơi ở hiện tại nhưng không có văn bản, không có ai cắm mốc giới, vì thế ông mặc nhiên mình được đổi tương đương 437m2 để sử dụng. Cho đến tận năm 2013, khi đó mới có Quyết định của UBND huyện về việc giao cho gia đình ông 242m2 (trong đó 200m2 đất ở và 42m2 đất lưu không) đất, cả gia đình mới “té ngửa” bởi đã sử dụng vượt quá diện tích đó rất nhiều.
Ông Hinh vinh dự là 01 trong số 1000 Anh hùng tiêu biểu Thời đại Hồ Chí Minh, được Đảng, Nhà nước mời tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Chỉ đặt mình ở vị thế là một người dân bình thường nhưng ông cũng thấy mình được đối xử một cách không công bằng: con của những gia đình khác trong thôn đã được san hộ và cấp quyền sử dụng đất nhưng con trai ông không được. Ông dành cả tuổi trẻ của mình, hy sinh xương máu vì nước, vì dân. Vậy mà, dù đã gần 80 tuổi nhưng người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ấy không có nổi cho mình một “mảnh đất cắm dùi” một cách hợp pháp, không bằng những người dân bình thường khác chứ đừng nói đến chính sách ưu tiên đối với gia đình có công với cách mạng! Thiết nghĩ, để có được một cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay, biết bao nhiêu xương máu, gian khổ, hy sinh của những bậc cha ông. Đáp lại những hy sinh lớn lao đó, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách dành cho gia đình thương binh, liệt sỹ, những người đã có đóng góp cho cách mạng của dân tộc. Nếu sự hy sinh ấy không được chính quyền và nhân dân coi trọng, vậy thì sau này ai sẽ đứng lên bảo vệ Tổ quốc đây?
Trước sự thiếu công bằng của chính quyền thôn, xã, từ nhiều năm nay ông Hinh đã lên tiếng để đòi lại công bằng cho mình nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Hiện ông vẫn đang kiên trì gửi đơn thư, có ý kiến về vụ việc của mình.
Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc này.
Hồng Liên