“…Tôi và hội là chiếc cầu để nối nhịp cầu yêu thương của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đến với bệnh nhân nghèo, trẻ em mồ côi”. Ông Lực chia sẻ
Năm 2011, trên cương vị là Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị nghỉ hưu, ông Lực (hiện nay đang là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Lâm Đồng) xin đề xuất tỉnh thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Lâm Đồng (Hội Bảo trợ BNN). Thời điểm đó, ông tự nguyện làm công tác nhân đạo chứ không hề hưởng một đồng lương nào. Khi hội đi vào hoạt động được vài tháng thì ông Lực bị suy thận nặng, trước đó năm 2006 đã phải cắt bỏ 1 quả thận. Để duy trì được sự sống cho đến ngày hôm nay, ông đã phải ghép thận của người khác tại Bệnh viên T.Ư Huế vào năm 2012. Dù cho đến bây giờ, không biết tên, địa chỉ người đã cho mình có quả thận để được sống, nhưng ông vẫn luôn tự hứa sẽ phải sống khỏe, sống tốt để giúp đỡ cho những người cơ khổ, không phụ người đã tặng thận cho mình.
Đặt ra mục tiêu cho cuộc sống, trong 7 năm qua, ông Lực và Hội Bảo trợ BNN luôn tích cực trong các chương trình làm tự thiện, gần như tuần nào cũng được tổ chức. Hội có 16 chương trình hoạt động, nổi bật nhất là mổ tim miễn phí cho trẻ em, người nghèo và đã kết nối với các bệnh viện, tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài nước mổ tim cho 1.015 người, từ sơ sinh đến 21 tuổi; vận động trao tặng trên 5.000 xe lăn; xe lắc cho người tàn tật phối hợp với các bệnh viện, tổ chức nhân đạo khám sàng lọc và thay thủy tinh thể cho hàng ngàn cụ già; hỗ trợ hàng trăm trường hợp mổ sứt môi, hở hàm ếch hoặc dị tật cơ xương khớp; trao tặng trên 60 nhà tình thương…
Vợ chồng anh Ngô Thành Lê (39 tuổi) và chị Đào Thị Ái Trâm (35 tuổi, ngụ H.Đơn Dương, Lâm Đồng) có tình cảnh khó khăn, gần 10 năm anh Lê bị bệnh suy thận, không xây nổi căn nhà trú thân. Tháng 9.2019, anh được hội và chương trình Mở cửa tương lai trao tặng ngôi nhà tình thương cùng các vật dụng trị giá hơn 70 triệu đồng.
“Gia đình tôi mang ơn chú Lực và hội nhiều lắm. Mỗi lần anh Lê bệnh nặng, chú Lực vào tận TP.HCM thăm hỏi, tặng quà…”, chị Trâm thổ lộ. Còn nhiều trường hợp khác nữa như chị An Thị Thu Ngà (P.10, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), hai anh em cháu Nguyễn Tiến Đạt mồ côi (xã Ninh Gia, H.Đức Trọng, Lâm Đồng)… đều được hội tặng nhà ở.
Với những hành động cụ thể, thiết thực, Hội Bảo trợ BNN được các tổ chức từ thiện quốc tế tin nhiệm tài trợ. Tổ chức Starkey Hearing Foundation và VinaCapital Foundation (Mỹ) viện trợ cho hội 1.000 bộ máy trợ thính (trị giá hơn 1,1 triệu USD). Tháng 9.2019, hội kết nối với Tổ chức Singapore Polytechnic Optometry đến 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) khám mắt, đo mắt cho gần 3.000 người, tặng 1.793 kính cận cho học sinh, kính viễn và kính mát cho người lớn tuổi với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội Bảo trợ BNN đã quyên góp, vận động giúp cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật, trẻ em mồ côi với số tiền hơn 73 tỉ đồng.
Ông Lực chia sẻ: “Làm từ thiện phải có cái tâm, phải công khai, minh bạch tài chánh. Tôi sử dụng Facebook để kêu gọi và thông tin việc trao tặng quà, nhà, xe lăn, xe đạp… để các nhà tài trợ, ân nhân biết. Tôi và hội là chiếc cầu để nối nhịp cầu yêu thương của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đến với bệnh nhân nghèo, trẻ em mồ côi”.
Ngoài các hoạt động của hội, để có tiền cho các hoạt động từ thiện, vợ chồng ông Lực dành trọn 10 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, trích thêm 1/2 tiền lương lưu, con gái ông đều đặn gửi về 3 triệu đồng/tháng; phần còn thiếu thì đi vận động bạn bè, người thân giúp đỡ để hàng tháng có đủ 26 triệu lo cho các cụ. Gia đình ông đã cưu mang 33 cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa. Hàng tháng, trợ cấp cho mỗi cụ 800.000 đồng gồm tiền mặt, gạo, sữa, thuốc men, nhu yếu phẩm.
Quỳnh Chi (T.H)