(ĐHVO). “Người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào mà là một người có thái độ sống tốt trước bất kỳ hoàn cảnh nào”. – Đó là câu nói hiện lên trong đầu tôi khi tôi trò chuyện với anh Phạm Công Hòe – người đàn ông dù cơ thể mang khiếm khuyết nhưng vẫn nở nụ cười, sống một cuộc sống nghị lực và tràn đầy tình yêu thương.
Anh Phạm Công Hòe trên chiếc xe mình tự chế (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Phạm Công Hòe (sinh năm 1971) hiện đang sinh sống ở thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Có duyên gặp gỡ và trò chuyện, anh Hòe kể rằng khiếm khuyết của mình không phải bẩm sinh; anh sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác cho đến năm ba tuổi, trải qua một trận sốt co giật kéo dài đã khiến đôi chân, tay anh có triệu chứng bị teo lại.
Trong suốt những năm tháng đầu đời và cả thời niên thiếu, sự khiếm khuyết của đôi chân khiến anh không thể vô tư chạy nhảy, nô đùa với các bạn cùng lứa, nhưng may mắn là anh vẫn có thể đi lại, dù việc đó khó khăn hơn mọi người rất nhiều. Dần dần, tình trạng căn bệnh ngày càng nặng thêm cho đến năm 15 tuổi, cơ thể không khỏe mạnh khiến anh Hòe lại tiếp tục trải qua 1 trận ốm nặng. Sau trận ốm đó, đôi chân anh đã hoàn toàn không thể đi lại được nữa. Dường như đã biết trước về tình trạng của mình, biết rằng rồi một ngày nào đó khi bệnh trở nặng thêm thì mình có thể sẽ hoàn toàn mất đi khả năng đi lại, anh Hòe đã chuẩn bị sẵn tinh thần và đón nhận chuyện này một cách bình thản. Không gào thét trách móc, không sống với ý nghĩ tiêu cực, anh chấp nhận thử thách số phận đưa ra cho mình và tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Sinh ra trong 1 gia đình đông con lại không có điều kiện về kinh tế, anh Hòe cũng không thể cắp sách tới trường giống như nhiều gia đình khó khăn thời bấy giờ. Không được trải qua những năm tháng thiếu niên trên trường lớp nhưng anh Hòe đã lớn lên với ý chí mạnh mẽ và kiên cường, không phụ thuộc hay dựa dẫm vào sự trợ giúp của người khác. Dù khiếm khuyết trên đôi chân gây khó khăn cho cuộc sống thì anh cũng không hề mặc cảm hay tự ti về cơ thể của mình mà luôn đối diện với mọi người bằng nụ cười trên môi và tâm thế thoải mái nhất. Có lẽ chính vì vậy mà trong suốt cuộc trò chuyện với anh, bằng sự duyên dáng của mình anh đã khiến buổi trò chuyện giữa những con người lần đầu tiên gặp gỡ trở nên gần gũi, thân mật.
Kể về quá trình tự học của mình, anh Hòe nói đó cũng là một cơ duyên đến với anh. Phải cho đến tận năm 16 tuổi anh Hòe mới bắt đầu tiếp xúc với sách vở, nguyên nhân đến từ cuộc gặp gỡ của gia đình anh với một thầy phong thủy, xem tướng. Tuổi trẻ và chưa có định hướng về tương lai, lại được thầy ngỏ ý muốn truyền nghề cho mình, anh Hòe theo thầy học chữ với suy nghĩ đầu đời: nhất định phải biết chữ mới có thể thành người. Tuy tiếp xúc với mặt chữ muộn màng nhưng anh Hòe tiếp thu học với tiến độ rất nhanh, không cần tốn quá nhiều thời gian, chỉ trong vòng 1 tuần anh đã đọc thông viết thạo. Thấy anh học nhanh lại chăm chỉ, thầy đã truyền dạy nghề xem phong thủy cho anh. Trong 2 năm này, anh Hòe cảm thấy bản thân không hợp với nghề, không phát triển lâu dài được ở nghề này nên anh quyết định dừng lại và đổi sang công việc khác để mưu sinh.
“Thật ra công việc của tôi không có gì nổi trội cả, mình chỉ làm hết khả năng có thể thôi. Sau khi dừng theo nghề xem phong thủy vì thấy không hợp, tôi đã chuyển qua rất nhiều công việc khác nhau. Đầu tiên là làm về pháo nổ, pháo hoa cho các dịp lễ hội làng, hoặc ngày Tết…Sau đó một thời gian, lệnh cấm đốt pháo được triển khai thì công việc này không còn trụ được nữa, tôi lại chuyển qua làm võng rồi làm liềm để bán ở đường làng các thôn, xóm. Cuộc sống cứ túc tắc như vậy, tuy không dư dả nhiều nhưng mà làm việc luôn tay luôn chân cũng khiến tôi thấy bản thân sống có ích cho đời” – Anh Hòe tâm sự.
Nhìn những người bạn cùng cảnh ngộ với mình đang có một cuộc sống khó khăn với đôi chân tật nguyền, anh Hòe cảm thấy cổ họng như nghẹn lại. Với suy nghĩ, mong muốn bản thân và những người đang gặp khó khăn có thể có một phương tiện để di chuyển thuận tiện hơn mà không cần sự trợ giúp của người khác, anh Hòe đã tìm hiểu và học hỏi về cách cải tiến và chế tạo xe điện. Sau một thời gian đầu nghiên cứu anh đã bước đầu thành công tạo ra những chiếc xe điện có số tiến lùi, phục vụ cho người khuyết tật. Qua việc quan sát và tự mình sử dụng, anh Hòe phát hiện rằng người khuyết tật tay chân yếu rất khó khăn trong việc lên xuống xe, do vậy anh đã đặc biệt thiết kế xe thật nhỏ gọn, dễ lên xuống và có thể quay đầu trong địa thế nhỏ hẹp. Tuy điều kiện kinh tế có hạn nhưng anh luôn mong muốn có thể góp một phần công sức của mình để phần nào chia sẻ gánh nặng với họ. Hiện tại, anh cũng đang có dự định mở một lớp dạy nghề điện tử dành cho người khuyết tật để tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh giống mình. Anh Hòe luôn quan niệm: “ Tự lực cánh sinh là điều tôi mà luôn hướng tới, hãy sống mà không trở thành gánh nặng cho xã hội hay bất kì ai bên cạnh mình!”. Chúng tôi tin rằng với thiện chí và tấm lòng của mình, anh Hòe sẽ đạt được những thành công nhất định trong tương lai.
Chia sẻ về điều mà anh cảm thấy may mắn nhất trong cuộc đời mình, anh Hòe mỉm cười hạnh phúc: “May mắn lớn nhất của tôi là gặp được vợ mình. Vợ tôi là một phụ nữ bình thường và khỏe mạnh như bao người, rõ ràng cô ấy đủ khả năng để đến với người có điều kiện và hoàn cảnh tốt hơn nhưng cô ấy lại chọn tôi. Khoảng thời gian đó chúng tôi gặp rất nhiều sự ngăn cản từ mọi người xung quanh. Thật sự ở cạnh một người không có khả năng đi lại được, bạn cần có bao nhiêu tình thương, bao nhiêu hy sinh thầm lặng và bao nhiêu thấu hiểu mới có thể dũng cảm đồng hành cùng họ. Từ tận đáy lòng, tôi luôn thấy mình may mắn và biết ơn cô ấy!”. Cuộc đời sẽ thật dài và tẻ nhạt nếu chúng ta không tìm thấy người bầu bạn nhưng cũng thật ngắn ngủi để làm ấm trái tim của những ai đi cùng ta trong cuộc hành trình khó khăn đó! Vì vậy, hãy tự bước đi bằng “đôi chân” của riêng mình và trao đi năng lượng yêu thương khi còn có thể!
Vân Chung