Người mẹ khuyết tật đơn thân làm tranh quilling nuôi con

(DHVO). Vào tháng 2, năm 2018, tai Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng có một ca sinh mổ hết sức đặc biệt. Người sản phụ cao chưa đầy 1,2 m, cả mẹ và thai nhi chỉ nặng vẻn vẹn có 27kg. Khi thăm khám, bác sỹ biết sản phụ này bị bệnh tim, thể trạng rất yếu nên đã chỉ định ca mổ đặc biệt để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con. Ca mổ diễn ra với nhiều y bác sỹ thường trực. Bác sỹ trước khi tiến hành ca mổ đã nhẹ nhàng trấn an tâm lý, để tư tưởng người mẹ được thoải mái. Đứa con vừa cất tiếng khóc, là lúc người mẹ vỡ òa cảm xúc, nước mắt rơi nghẹn ngào… Bác sỹ mổ ngày hôm đó, bế trên tay đứa bé, lau nước mắt cho người mẹ và cũng rơi nước mắt từ lúc nào trước hoàn cảnh thương tâm của người mẹ đơn thân yếu ớt ấy…

Hồ Thị Láng cùng con gái và ba mẹ.

Người mẹ đơn thân đó là Hồ Thị Láng, sinh năm 1994 ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Láng là con đầu của gia đình có 3 chị em, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Từ nhỏ, Láng đã nhanh nhẹn, hoạt bát, vun vén việc nhà, đỡ đần nhiều cho bố mẹ.

Đến năm lớp 6, Láng bắt đầu cảm thấy đau nhức xương khớp, hai vai trở nên  không cân xứng, cột sống bắt đầu cong vẹo và trên lưng xuất hiện một cục u nhô dần lên theo thời gian. Bác sỹ thông báo cho gia đình là em đã bị cong vẹo cột sống và gù lưng, chi phí mổ là gần 200 triệu. Trong nhà Láng chẳng có đồ gì đáng giá vài trăm, nói gì đến số tiền lớn đó, đành chấp nhận sống chung với bệnh. Cũng từ đó, lưng Láng gù cao hơn, cột sống cong vẹo kéo lệch cả bên vai và chiều cao vẫn chỉ ở ngưỡng 1,2m và nặng 25kg. Đi học, Láng bị bạn bè trêu trọc là “ đồ gù”, “đồ khuyết tật”.  Nhiều hôm buồn tủi, Láng gục khóc ngay trên bàn học, mà những lời châm chọc ấy vẫn không dừng…

Cuối năm lớp 7 vì mặc cảm, vì buồn tủi, vì không chịu nổi những lời trêu chọc nên Láng quyết định nghỉ học. Ở nhà, thấy các bạn đi học, Láng lại thèm được học quá, lại xin bố mẹ cho đi học ở Trung tâm khuyết tật.

Năm 18 tuổi, Láng xin vào làm công ty may gần nhà, làm được 2 năm thì công ty lại giải thể, xin việc mấy chỗ đều không được nhận vì các công ty không tuyển dụng người khuyết tật. Lúc này, biến cố gia đình lại ập đến, ba Láng bị bệnh tim phải mổ, từ đó mất sức lao động, gánh nặng gia đình lại đổ lên đôi vai người mẹ.. Láng suy nghĩ nhiều lắm, phải tìm công việc gì đỡ mẹ, chứ mình mẹ nuôi bốn ba con, lại hai đứa em còn ăn học thì cực lắm.

Năm 2014, mày mò tìm nghề trên mạng, Láng cũng biết đến nghề tranh quilling (tranh giấy xoắn) ở Hà Nội. Mẹ Láng thương con, vay mượn một ít tiền cho con gái khăn gói lên Hà Nội học nghề. Được 5 tháng là Láng thành thạo nghề, nhưng đó là vào mùa đông, thể trạng yếu ớt của Láng không chống chọi lại được cái lạnh của Hà Nội, có hôm ngồi ăn cơm, mà tay run run không cầm nổi đũa để ăn. Sau một tuần ốm liệt giường, Láng xin nghỉ về quê với dự tính sẽ mang món nghề mới học để về quê làm. Nhưng vốn ít, nhập nguyên liệu không nổi, nên Láng đành từ bỏ món nghề mới của mình, để lại một lần nữa chật vật đi xin việc mà khó khăn vô cùng.

Dụng cụ, nguyên liệu làm tranh quilling.

Tranh quilling (tranh giấy xoắn) tác phẩm nghệ thuật của Láng.

Nghĩ đến mẹ đi rửa bát thuê từ sáng đến tối lo miệng ăn cho cả nhà mà nước mắt cứ lã chã rơi. Phải chi mình khỏe mạnh thì đã mẹ đã không phải vất vả, gia đình cũng không đến nỗi bữa nay lo bữa mai như thế này.

Ở nhà thấy mẹ khổ quá, mà mình chẳng giúp được gì. Một lần nữa, đầu năm 2015, Láng quyết tâm lên mạng tìm công ty tuyển dụng người khuyết tật. Thấy có công ty  may ở Long Biên, Hà Nội đang tuyển dụng vị trí kiểm hàng có nhân người khuyết tật, Láng mừng lắm, lại xin ba mẹ khăn gói hăm hở lên đường. Lương cơ bản được 2,6 triệu, Láng chịu khó tăng ca, chắt chiu dành dụm cũng gửi được về cho bố mẹ được gần 2 triệu đỡ đần.

Ở xóm trọ, Láng gặp một cậu kém mình 2 tuổi bị khiếm thị, quê ở Phú Thọ ra Hà Nội làm “tẩm quất người mù”, tự lúc nào họ đồng cảm và yêu thương nhau. Những tưởng hai số phận kém may mắn sẽ đến với nhau từ sự dung dị, cảm thông chân thành nhất…Yêu nhau được hơn 2 năm, Láng phát hiện mình có bầu và vui mừng báo cho người yêu biết,  nghĩ đến việc một lễ cưới nho nhỏ sẽ diễn ra. Nhưng ngay lập tức Láng bị người yêu phản ứng gay gắt, bắt phá thai, chối bỏ trách nhiệm…

Gặp cú sốc đầu đời quá lớn, Láng nghỉ làm mấy hôm không ăn không uống, nước mắt rơi, nghĩ cuộc đời sao nó cay đắng thế… Rồi Láng xoa bụng, có một sinh linh bé nhỏ đang trong cơ thể tàn tật của mình, nhưng biết đâu nó lại là một hình hài khỏe mạnh mà cuộc đời đã ban tặng. Nghĩ vậy, Láng lại tiếp tục đứng dậy, nuôi dưỡng niềm tin mãnh liệt đó. Láng không dám nói với ai, cứ giữ bí mật cái thai đến tháng thứ 5, biết là không thể giấu được nữa, nên cuối cùng cũng bấm bụng gọi cho mẹ. Khi lấy hết sức can đảm để kể trong nghẹn ngào, thì đâu dây bên kia không mắng mỏ, vẫn ấp áp “ Con hãy giữ sức khỏe thật và tinh thần thật tốt. Về đây sinh con, mẹ nuôi cho…”

Láng trở về nức nở trong vòng tay của ba mẹ, không ai trách mắng đứa con tội nghiệp của mình. Ngày vào viện, Láng gom hết tiền tiết kiệm gần 3 triệu vào viện, lúc đó cái thai được 37 tuần. Bác sỹ thăm khám, chỉ định một ca mổ đặc biệt khi sản phụ không chỉ là người khuyết tật, mà lại mắc bệnh tim nặng, thể trạng rất yếu. Cả mẹ và thai nhi chỉ vẻn vẹn 27kg, chiều cao của người mẹ chưa đầy 1,2m. Thông thường, thể trạng của người mẹ như vậy giữ được con là một điều rất khó.

Láng còn nhớ rõ, trong ca mổ đó có một người bác sỹ tốt bụng, khi bế đứa bé trên tay vừa lau nước mắt cho người mẹ, vừa rớt nước mắt thương tâm. Đứa bé sinh được 1.8kg  phải nằm trong lồng kính và ấp trên người hơn 12 ngày mới được về nhà. Sau đó, chính người bác sỹ ấy đã đăng bài kêu gọi mọi người giúp đỡ cho hoàn cảnh của người mẹ khuyết tật đơn thân ấy để trang trải sau sinh…

Lúc này, một mình mẹ Láng bươn trải lo cho cả nhà, cũng may hàng xóm thương tình, người giúp quần áo cũ, tã lót, người cho từng mớ rau, bơ gạo… Khi con gái được 5 tháng tuổi, Láng dùng số tiền dành dụm được giúp ở trong viện để nhập nguyên liệu làm tranh, thiệp quilling ( tranh thiệp giấy xoắn) để bán. Vừa trông con, vừa làm ban đầu bán được ít. Sau dần, Láng giới thiệu sản  phẩm trên mạng, khách biết đến nhiều hơn, mỗi tháng cũng kiếm được hơn 1 triệu để lo bỉm sữa cho con.

Ảnh hai mẹ con Láng trên xe đạp điện.

Tháng 7 năm 2019 vừa qua, Láng được một người quen giới thiệu qua trung tâm khuyết tật để dạy nghề cho các bạn cùng cảnh ngộ. Láng vui lắm, vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa có thể chia sẻ nghề cho các bạn cùng cảnh để có thể tự kiếm sống được. Vì hơn ai hết, Láng hiểu một người khuyết tật đi xin việc là vô cùng khó.

Cô giáo Láng dạy làm tranh quilling ở trung tâm khuyết tật.

Một số tranh, thiệp quilling của Láng:

Hàng ngày, Láng 7h đến trung tâm khuyết tật bằng xe đạp điện để hướng dẫn tỉ mỉ các bạn làm tranh, thiệp giấy xoắn. Trưa, 11h Láng lại về trông con để cho mẹ đi rửa bát thuê. Mơ ước của Láng đơn giản là các sản phẩm tranh, thiệp của mình và các bạn ở trung tâm khuyết tật làm ra có thể bán được nhiều hơn, có thu nhập ổn định hơn để mẹ mình đỡ khổ. Bé gái trong ca mổ đặc biệt của người mẹ khuyết tật ngày nào, giờ đã 19 tháng tuổi, nặng 8kg. Khoe ảnh con gái xinh xắn, Láng tâm sự: “ Con gái là động lực lớn nhất để em cố gắng, vượt qua mọi khó khăn. Em không mong gì hơn là con được khỏe mạnh, phát triển bình thường. Và em có sức khỏe để dạy cho nhiều bạn làm tranh, thiệp quilling hơn nữa. Cũng mong rằng qua đây, mọi người biết đến tranh, thiệp quilling và ủng hộ chúng em nhiều hơn…” ./.

Trang Nhung.

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang