(ĐHVO). Với sự rối loạn về nhiễm sắc thể, người mắc hội chứng Down thường phát triển chậm hơn người bình thường. Tuy nhiên họ vẫn có thể làm việc, tự chăm sóc bản thân và nếu nỗ lực, kiên trì, thành công sẽ mỉm cười với họ.
Down là hội chứng thường gặp nhất trong số các bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể gây ra. Thường một đứa trẻ sinh ra có 46 nhiễm sắc thể (23 cặp) nhưng trẻ mắc hội chứng Down có tới 47 nhiễm sắc thể, thừa 1 nhiễm sắc thể ở cặp số 21. Do đó những đứa trẻ mắc phải căn bệnh này thường có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) nằm trong mức thấp, chậm nói hơn những đứa trẻ khác và gặp nhiều vấn đề trong hoạt động, giao tiếp. Chính vì vậy, nhiều người thường có cái nhìn ái ngại và coi những người mắc hội chứng Down là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Những người mắc phải căn bệnh này thường có tâm lý tự ti, e dè khi tiếp xúc với những người xung quanh, cần sự quan tâm, nuôi dạy đặc biệt từ gia đình, nhà trường. Song thực tế chứng minh những người mắc hội chứng Down có thể sống, cống hiến như người bình thường, thậm chí có người còn tự nỗ lực đem đến thành công cho chính mình.
Madeline Stuart trong một chương trình biểu diễn thời trang, nguồn ảnh Internet
Madeline Stuart (Brisbane, Úc) là một người mẫu nổi tiếng được nhiều người biết đến. Sải bước tự tin trên sàn catwalk, ít người có thể nghĩ cô gái này mắc hội chứng Down vì cô giống với tất cả những người mẫu chuyên nghiệp khác. Tuổi thơ của Madeline Stuart gặp rất nhiều khó khăn khi không thể tiếp xúc, học tập, vui đùa với bạn bè cùng trang lứa. Trong một lần theo mẹ đi xem buổi biểu diễn thời trang, ước mơ được đứng trên sàn catwalk bắt đầu nhen nhóm trong cô…
Ước mơ đó lớn dần theo từng ngày với sự nỗ lực không ngừng của Madeline Stuart. Cô bắt đầu tự vạch ra một lộ trình tập luyện của riêng mình, giảm cân nặng để có một vóc dáng chuẩn, cân đối và khỏe mạnh. Sau tất cả sự cố gắng từ bản thân cùng sự giúp đỡ, động viên từ gia đình, Madeline Stuart đã trở thành người mẫu của rất nhiều show diễn thời trang nổi tiếng. Mọi người biết đến cô vì những điều tuyệt vời mà cô đã làm được trong cuộc sống cũng như giúp nhiều người thay đổi nhận thức về những người mắc hội chứng Down: “Tôi thấy vui vì thay đổi được cách xã hội nhìn về những người khuyết tật. Tôi muốn thế giới sẽ chấp nhận họ hơn nữa. Đó là mơ ước của tôi” – Madeline Stuart chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Omar trên một chương trình truyền hình
Cũng giống như Madeline Stuart, bất chấp những khó khăn do hội chứng Down mang lại, cậu bé Omar đã trở thành một vận động viên bơi lội đầy triển vọng trong đội tuyển bơi của Các Tiểu vương quốc Ả rập thông nhất (UAE) trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Omar khi còn nhỏ đã được một vị bác sĩ nhận xét rằng cậu bé sẽ không làm được bất cứ điều gì trong đời do căn bệnh mà cậu mắc phải. Tuy nhiên gia đình cậu luôn có niềm tin mãnh liệt rằng con trai mình có thể làm được rất nhiều điều.
Không phụ sự tin tưởng từ cha mẹ, Omar luôn nỗ lực học bơi vì đó là điều cậu thích. Nếu người bình thường học bơi mỗi ngày trung bình 5 tiếng thì Omar luôn dành nhiều hơn số thời gian đó để tập bơi một cách hiệu quả nhất. Sự cố gắng của Omar đã được đền đáp xứng đáng khi cậu giành được huy chương cho UAE trong kỳ Olympic Đặc biệt cấp Quốc gia và Khu vực được tổ chức tại nước này. Dù mắc hội chứng Down nhưng Omar luôn tự tin giao tiếp và nhận được sự yêu mến từ những người xung quanh. Có thể thấy hội chứng Down không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và thành công của Omar nhờ ý chí mạnh mẽ và sự nỗ lực từng ngày của cậu.
Mạc Đăng Mừng và cha của cậu, nguồn ảnh Internet
Ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện đầy cảm động về nghị lực phi thường của Mạc Đăng Mừng khi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và hành trình đồng hành cùng con suốt hơn 30 năm của người cha Mạc Văn Mỹ để cho Mừng có một cuộc đời hạnh phúc. Sinh ra đã mắc hội chứng Down, hàng xóm khuyên cha của Mừng hãy bỏ đứa bé đi hoặc đưa Mừng đến những mái ấm tình thương để nuôi dưỡng nhưng ông Mỹ nhất quyết không từ bỏ đứa con của mình.
Tình thương của cha đã trở thành động lực vươn lên của Mừng. Được tham gia vào lớp học dành cho trẻ chậm phát triển, học thêm về kỹ năng sống, võ thuật Akido, Anh văn,…Mừng luôn cố gắng tiếp thu những kiến thức mà thầy cô dạy. Không phụ công cha mẹ chăm sóc, dạy bảo cũng như sau bao năm cố gắng học hành, Mừng đỗ vào khoa Thiết kế đồ họa của đại học Văn Lang, Hà Nội. Nhiều người đến tận bây giờ vẫn không tin rằng Mừng có thể học tập và đi học đại học như những người khác. Để con có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, cha của Mừng đã chấp nhận từ bỏ công việc để lên lớp cùng con học tập, trở thành người đồng hành cùng con.
Giờ đây Mừng đã có thể tự lập, làm việc nuôi sống bản thân, là cử nhân đại học, đai nâu võ Akido, đọc hiểu tiếng Anh cơ bản và còn làm được nhiều điều khác nữa. Sự không đầu hàng số phận của Mừng và cả người cha luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho con đã khiến chúng ta hiểu rằng “không gì là không thể” chỉ cần ta nỗ lực và không từ bỏ cho dù việc ta làm có khó khăn đến đâu…
“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” cũng như con đường nào cũng sẽ trải đầy mũi nhọn, chông gai và những người mắc hội chứng Down sẽ đi trên con đường gian khổ, khó khăn hơn rất nhiều lần so với người khác nhưng tin rằng chỉ cần cố gắng vươn lên, không đầu hàng trước số phận, nhận được tình thương, động viên từ gia đình thì những con người ấy có thể làm được rất nhiều điều và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Lan Phương