Người lính kiên trung bất khuất

(ĐHVO). Người lính trong chiến trận thể hiện sự dũng cảm, không sợ hy sinh tiêu diệt nhiều kẻ thù, góp phần cùng đồng đội tạo nên trận chiến thắng có hiệu suất cao là đã gây nên sự thán phục đối với dư luận. Nhưng lại có người lính thể hiện sự kiên trung không khuất phục trước những đòn tra tấn dã man nhất của kẻ thù trong lao tù,bảo vệ khí tiết trung thành với Tổ quốc đã gây nên sự kính phục to lớn trong lòng nhân dân và đồng đội,khiến chính kẻ thù phải khiếp sợ. Người viết bài này xin kể về một trong những người lính kiên trung đó.

Ông Nguyễn Quang Huy, năm nay 70 tuổi, hiện đang cư trú tại số nhà 4 ngõ 114, phố Tây Trà, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.


Ảnh sưu tầm

Trung tá Nguyễn Quang Huy sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnhThái Bình là một trong những địa phương đã có đóng góp sức người, sức của đứng nhất nhì các tỉnh miền Bắc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Riêng gia đình ông có 5 người con trai thì đã có 4 anh em tham gia quân đội, trong đó người anh cả là bộ đội chống Pháp. Ông và hai người anh kế trên nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Người anh thứ hai hy sinh khi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 tại mặt trận Sài Gòn.

Ngày 8.9.1969, ông Huy nhập ngũ, cùng thời gian đó cũng có giấy báo tập trung về học tại trường Đại học Hàng Hải. Với hoàn cảnh gia đình đã có 3 người anh tham gia quân đội, trong đó có 1 anh đã hy sinh thì theo quy định ông sẽ được hoãn để được đi học đại học. Nhưng ông đã xin phép gia đình và đề nghị với xã cho phép mình được nhập ngũ vì muốn được thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc trước, sau này nếu còn sống sẽ đi học.

Khi vào chiến trường Quân khu V, ông được bổ sung vào đơn vị cảnh vệ của Bộ Tư lệnh (BTL) quân khu rồi sau đó được lựa làm thư ký cho đồng chí Tư lệnh trưởng với nhiệm vụ được giao là hàng ngày tổng hợp tình hình chiến sự trong ngày của chiến trường toàn miền Nam để báo cáo lên BTL, để BTL có kế hoạch tác chiến phối hợp với các chiến trường. Một lần ông được phân công trong đơn vị trinh sát phục vụ cho các đồng chí BTL đi chuẩn bị tại mặt trận Quảng Đà (tên gọi chung của địa phận Quảng Nam – Đà Nẵng) thì bị lực lượng lính Mỹ phục kích, ông Huy bị thương rất nặng và lạc đơn vị. Khi đó một toán lính Mỹ lùng sục thấy ông bị thương, chúng đã dùng dao cắt vào cổ rồi kéo người ông vào bìa rừng với mục đích để ông chết. Ông bị bất tỉnh hoàn toàn. Khi tỉnh dậy ông mới biết mình đang được điều trị tại một trạm quân y của quân đội Mỹ ở căn cứ thuộc bán đảo Sơn Trà với đầy đủ tiện nghi và được cứu chữa tích cực. Ông vô cùng bất ngờ đến ngỡ ngàng vì tưởng như mình không còn cơ hội sống. Sau đó qua quá trình điều trị, sức khỏe và tinh thần hồi phục. Ông tìm hiểu và phán đoán sự việc qua một phiên dịch người Việt Nam thì được biết khi mình bất tỉnh do vết đạn xuyên qua người với vết dao cắt vào cổ, một vài lính Mỹ (có lẽ là cấp chỉ huy) đã xem lại “thi thể VC” có lẽ để chúng nhận định về đối phương, khi thấy ông vẫn còn sống đã cho chở về trạm quân y bởi thấy một “VC” mà chúng tưởng thuộc cấp chỉ huy nên cần cứu sống với mục đích để khai thác tình báo. Hẳn là ông đã có một sự may mắn nhờ dòng giống để có thân hình tầm thước điển trai với nước da trắng, đôi mắt nâu, to sáng, với bộ quân phục ka ki ga ma đin, đeo khẩu súng ngắn K59 còn mới. Bọn lính cổ da mắt xanh nhà nghề (chỉ bọn CIA) cho rằng ông là cấp chỉ huy “bự”. Ban đầu địch hỏi cung còn tỏ ra lịch sự và mềm mỏng, khi không khai thác được gì ở người lính kiên trung, chúng ra nhiều đòn tra tấn vô cùng dã man như: Roi điện, cho điện giật, cho đi “tàu ngầm”, treo ngược, dọa cắt tiết… Chán tra tấn địch lại tỏ ra ve vãn bằng cách hứa cho nhiều “đặc ân”, thậm chí hứa hẹn tương lai sự sung sướng kiểu Mỹ… nếu ông khai thật về đơn vị, nhiệm vụ và tình hình quân ta. Quỷ quyệt hơn có lần chúng đưa một người đồng đội của ông vào để nhận mặt nhưng ông đã ra ám hiệu không quen biết và anh ấy cũng hiểu ý. Dù vậy, cuối cùng bọn địch phải thất bại trước ý chí kiên trung, gan dạ vì trước sau ông chỉ khai mình là bộ đội miền Bắc mới vô không biết gì. Riêng tại căn cứ Sơn Trà, bọn Mỹ đã tra tấn dã man đến 7 lần khiến ông bị chết đi, sống lại.

Nhớ lại những ngày bị chính bọn CIA khảo tra, dụ dỗ, ông đã có suy nghĩ phải can đảm dù có phải chết cũng không bán rẻ danh dự của bản thân cũng như truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương. Ông lại càng nghĩ phải sống và tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Sau đó địch đem giam ông tại nhà tù Phú Quốc cho đến năm 1973 ông được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris.

Khi được biết người lính cận vệ của mình được trao trả, đồng chí Tư lệnh trưởng đã giúp đỡ tạo điều kiện khôi phục mọi quyền lợi để ông được học chuyên môn và được phân công làm việc tại Fafil Việt Nam. Sau đó ông xin về quê hương Thái Bình và được giữ chức Trưởng phòng văn hóa huyện Tiền Hải. Khi về hưu cho đến nay ông về chung sống với gia đình tại Hà Nội. Mặc dù đã ở tuổi 70, dù bị thương tật 2/4 và nói khó khăn, nhưng ông Huy vẫn đảm bảo sức khỏe bằng rèn luyện thân thể tham gia giúp gia đình phát triển kinh tế. Ông tích cực tham gia công tác đã nhiều năm với nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội CCB của quận. Ông Nguyễn Quang Huy đã thể hiện tấm gương sáng về phẩm chất “Anh bộ đội cụ Hồ”.

Ngọc Văn

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang