Người khuyết tật xoay chuyển công việc trong bối cảnh Covid…

(ĐHVO). Trong nhiều thập kỷ qua, Ðảng, Nhà nước và nhiều bộ ban ngành đã rất quan tâm đến người khuyết tật (NKT), nhiều văn bản chính sách được ban hành liên quan tới người khuyết tật. Một trong những vấn đề đó là giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật. Những năm gần đây, nhiều Hội NKT trên cả nước đã chú trọng đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid hoành hành, vấn đề việc làm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết…

Thực tế, trong xã hội, đã có nhiều tấm gương NKT nỗ lực có một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình; trong đó cũng có không ít NKT vươn lên làm chủ doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh ngộ khác…

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT Tp. Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội NKT Việt Nam cho biết:


Bà Dương Thị Vân trong “Lễ đón tiếp Người khuyết tật đến làm việc” tại Công ty Cổ phần Việt Chuẩn.

“Trong năm vừa qua, chúng tôi cũng phối hợp với một số doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

Trong tháng 1 vừa qua, Công ty Cổ phần Việt Chuẩn có dự án nhận NKT vào làm việc. Dự án này đã góp phần mang tới cho nhiều NKT cuộc sống tốt đẹp hơn, sẽ chia những phần nào trong xã hội, tạo điều kiện cho họ nỗ lực vươn lên khẳng định mình và đóng góp những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Cùng với sự tạo điều kiện từ phía doanh nghiệp, người lao động khuyết tật cần cố gắng, học hỏi, trau dồi kiến thức…để đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.”

Cũng trong ngày Hội việc làm cho thanh niên khuyết tật (TNKT) tại Đông Anh (Hà Nội) vào tháng 11 năm vừa qua, đã có hơn 350 đại diện TNKT tham gia giao lưu và tìm kiếm việc làm tại ngày Hội. Trong đó, có nhiều Hội NKT quận, huyện, các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT tiếp tục giới thiệu, và hỗ trợ hội viên học nghề và làm việc tại cơ sở; Hội NKT quận Hoàng Mai triển khai dự án do tổ chức Abilis tài trợ về đào tạo nghề photocopy cho 10 thanh niên khuyết tật…

Lễ ra mắt dự án “Đào tạo nghề photo copy cho 10 thanh niên khuyết tật của Hội”.

Bên cạnh những công việc truyền thống, cũng có những công việc sáng tạo trong thời kỳ Covid…

Người khuyết tật thành lập doanh nghiệp

Chị Vũ Thị Quyên (ảnh: Minh Phượng).

Năm 2019, chị Vũ Thị Quyên (31 tuổi, Hà Nội) bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, cùng hai người bạn cùng chung chí hướng đã đồng sáng lập Công ty We-Edit Việt Nam do chị Quyên là tổng giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đồ họa bất động sản cho các đại lý, công ty bất động sản nước ngoài. Bản thân là người khuyết tật, thấu hiểu những khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Do vậy, công ty có 60 người thì 30% là người khuyết tật.

Chị Quyên cho biết: Trong năm nay, Quyên tiếp tục cho ra đời một bộ phận mới dành cho các bạn run tay, run chân, động kinh để chỉ cần dùng mắt vẫn có thể làm việc. “Không chỉ mình mà các anh chị đồng sáng lập đều có chung một tâm nguyện làm sao giải quyết việc làm nhiều nhất cho người khuyết tật, đặc biệt là các bạn khó đi làm nhất. Dù mới thành lập năm 2019 và trải qua đại dịch COVID-19 năm 2020 nhưng công ty dưới sự chèo chống khéo léo của Quyên và cộng sự vẫn phát triển tốt. Đại dịch COVID-19 là khó khăn với nhiều người nhưng là cơ hội với Quyên khi có thêm nhiều khách hàng mới.

Tiệm giặt là người Điếc

Quản lý Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên phải) và hai nhân viên của “Tiệm giặt là người điếc” .

“Tiệm giặt là người Điếc” tại địa chỉ số 7 đường bờ sông Sét (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) có quy mô hoạt động khá khiêm tốn với mặt bằng hơn 10m2, 3 máy giặt sấy, một bàn là hơi và 2 máy vệ sinh giày. Cửa hàng hoạt động 24/7 với một quản lý là bạn Lương Thị Kiều Thúy và 2 nhân viên. Được biết, tiệm giặt là của người điếc là một sáng kiến của SÁNG – nhóm thanh niên hoạt động vì quyền của người điếc/khiếm thính tại Hà Nội. Dưới thương hiệu “Giặt Ký” là chuỗi cơ sở kinh doanh giặt là tại Hà Nội, tiệm sử dụng hoàn toàn nhân sự là những người điếc. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng để quá trình vận hành trơn tru. Lợi nhuận của tiệm Giặt Ký sẽ được sử dụng hoàn toàn cho các lớp học kỹ năng sống cho người điếc, hỗ trợ người điếc hòa nhập xã hội.

Mặc dù khá tự tin với dự án của mình nhưng đôi lúc Thúy vẫn không khỏi lo lắng vì Tiệm giặt là ra đời đúng vào thời điểm Covid -19 gây ảnh hưởng nặng nề và kéo dài. Cô hy vọng sắp tới, dịch bệnh sẽ được khống chế để cơ sở giặt là của mình sẽ làm ăn khấm khá hơn. Thúy dự định sẽ mở thêm một lớp đào tạo kỹ năng mềm và đào tạo nghề cho những người có cùng hoàn cảnh với mình.

Làm tranh Quilling và làm hương tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật (Tp. Đà Nẵng)

Tại Trung tâm dạy nghề NKT (Tp. Đà Nẵng), các bạn khuyết tật được đào tạo làm tranh quilling (tranh giấy xoắn) và làm hương để có thể kiếm thêm thu nhập, nuôi sống bản thân và giúp đỡ một phần cho gia đình. Những bạn nhanh nhẹn hơn, sau khóa học có thể kết hợp bán hàng online, tuyển cộng tác viên trên cả nước để ủng hộ cho sản phẩm của Trung tâm.

 

Những bạn được đào tạo nghề ở Trung tâm dạy nghề NKT (Tp. Đà Nẵng).

Bán hàng online và làm Youtube

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid, cũng có nhiều người chọn cách bán hàng online và trong đó cũng có nhiều người khuyết tật. Anh Nguyễn Ngọc Lân, sinh năm 1985 (có biệt danh “Thầy giáo xe lăn”) hiện đang dạy lớp tin học cho trẻ em ở Làng May Mắn. Thời điểm dịch bùng phát, anh Lâm và vợ đã chọn cách bán hàng online, sản phẩm là những đặc sản quê miền Tây như: hạt điều, yến sào, nhân sâm… Bên cạnh đó, Thầy giáo xe lăn cũng xây dựng kênh Youtube chia sẻ về cuộc sống, hiện kênh của anh đã thu hút được hàng nghìn người xem và đã bật được chế độ kiếm tiền. Anh Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ: Với một người bị khuyết tật nặng như tôi thì việc lấy vợ là một điều rất khó khăn. Nhưng tôi đã tìm được người bạn đời của mình và cũng mong muốn qua Youtube, qua mạng xã hội có thể lan tỏa được những câu chuyện cuộc sống của mình để giúp nhiều người có hoàn cảnh tương tự…

 

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Lân giới thiệu các mặt hàng trên Facebook.

Khi nhắc đến làm Youtube, phải kể đến một Youtuber “Thầy giáo tí hon” của anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1988, quê ở Nghệ An) hiện đang sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Kênh youtube của anh Hùng cũng xung quanh những câu chuyện cuộc sống đời thường, giản dị của hai vợ chồng nhưng nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người, có những video lên đến triệu lượt người xem và chia sẻ.


Có thể nói Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động khác nhau đến nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là NKT. Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu, việc chăm lo, quan tâm đến đời sống NKT lại cần thiết hơn bao giờ hết. Dù đã được các cấp, ngành giúp đỡ, động viên, nhưng trên thực tế cuộc sống của NKT còn gặp rất nhiều khó khăn, họ vẫn đang từng ngày kiên tri, bền bỉ chống chọi với dịch bệnh. Với họ, mỗi một khó khăn là một thử thách để sinh tồn.

Trang Nhung

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang