Người khuyết tật vẫn bị “đóng cửa” trước thị trường lao động

(ĐHVO). Định kiến của xã hội phải chăng là nguyên nhân chính khiến người khuyết tật gần như bị “đóng cửa” trước thị trường lao động?

Thực tế hiện nay, đối với người khuyết tật học nghề đã khó, tiếp cận với việc làm còn khó hơn. Bên cạnh những người sử dụng lao động đã có những nhìn nhận tích cực đối với người khuyết tật, thì vẫn có không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hoặc dè dặt khi xét hồ sơ xin việc của người khuyết tật.

Từ chối tuyển dụng người khuyết tật, liệu có vi phạm pháp luật? (Ảnh: mang tính chất minh họa)

Định kiến của xã hội vẫn như “bức tường vô hình” ngăn chặn NKT tiếp cận với thị trường lao động. Không ít người khuyết tật đi xin việc làm, các nhà tuyển dụng vẫn đặt người khuyết tật lên bàn cân so sánh với người bình thường bởi mức độ nhanh nhẹn, linh hoạt trong công việc chưa kể đến trình độ, khả năng tiếp cận công việc.

Tuy nhiên, người khuyết tật bị khiếm khuyết mặt này nhưng họ lại giỏi mặt khác như nhiều người khuyết tật may rất giỏi, thêu rất đẹp, có khả năng sử dụng tốt máy tính, có tinh thần vượt khó thậm chí thực tế có rất nhiều người khuyết tật thành công nhưng vẫn bị các doanh nghiệp ngại ngần, đắn đo khi tuyển dụng. Đây là điều khiến người khuyết tật cảm thấy bị “phân biệt đối xử” trong hòa nhập cộng đồng.

Thiết nghĩ, người khuyết tật cần được pháp luật bảo vệ trong trường hợp như trên. Bởi lẽ, nếu người khuyết tật đủ tiêu chuẩn tuyển dụng mà vẫn bị từ chối, không nhận vào làm việc là một điều thiệt thòi vô cùng lớn.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp khẳng định, người khuyết tật cần được quan tâm, tạo cơ hội việc làm và đảm bảo quyền bình đẳng, hòa nhập cộng đồng đúng theo tinh thần luật định. Điều 33 Luật người khuyết tật 2010 quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.”

Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp

Trường hợp các nhà tuyển dụng có hành vi từ chối hay đưa ra tiêu chuẩn nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật thì bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời, buộc thực hiện theo đúng quy định nêu trên theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.

Hơn nữa, doanh nghiệp còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi: hông bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và không thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ; không tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Chế tài xử lý vi phạm đã được thiết lập tuy nhiên việc thực thi, áp dụng trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tình trạng người khuyết tật không xin được việc làm vẫn diễn ra phổ biến, và chiếm phần lớn phải chăng chế tài xử lý vi phạm còn khá nhẹ, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên cần nhìn nhận ở nguyên nhân cốt lõi là tâm lý sẻ chia, thương hại người khuyết tật đã tồn tại sâu trong tâm trí. Xã hội vẫn nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại, đối đãi với người khuyết tật theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là đảm bảo quyền cơ bản của họ.

Vì vậy, thiết nghĩ để cải thiện cơ hội việc làm cho người khuyết tật cần thúc đẩy cả hai phía. Người khuyết tật cần năng động hơn nữa, tự tin khẳng định mình, cố gắng học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh đó toàn xã hội phải nâng cao nhận thức, xóa bỏ những rào cản, kỳ thị xã hội, hưởng ứng, thực thi các chính sách, quy phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để người khuyết tật có thể tự tin tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội và trở thành một lực lượng lao động có ích.

Phạm Vân

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang