Người khuyết tật tự lực hòa nhập với cộng đồng

(ĐHVO). Việc chăm lo đời sống cho người khuyết tật nhiều năm qua đã có những thay đổi tích cực. Và chính từ phía những người khuyết tật, thay vì thụ động tiếp nhận hỗ trợ từ xã hội thì nay bản thân họ đã ý thức rất rõ ràng về việc tự mình vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng ở xã Do Sơn, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong những người khuyết tật như vậy. Gần 20 năm trước, trong một lần xẻ gỗ, tai nạn lao động bất ngờ đã khiến anh Nguyễn Ngọc Dũng bị mất đi cánh tay phải. Nhờ sự nỗ lực cố gắng, gần 1 năm sau, anh có thể tập tành sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng với tai nạn đó, anh không thể tiếp tục với nghề mộc. Trăn trở với suy nghĩ làm sao để có một nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình, anh quyết tâm tự học hỏi nghề đúc chậu cây cảnh vì thời điểm đó ở địa phương chưa có ai làm nghề tương tự.

Anh Dũng chia sẻ: “Khi mới bị tai nạn tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Không biết làm thế nào để kiếm được việc làm. Thời gian rảnh rỗi khi chưa quay lại với nghề mộc, tôi thường lên rừng tìm đào các loại cây về làm cây cảnh trong nhà. Có nhiều cây cảnh nhưng không có chậu để trồng cây, tôi mày mò đúc chậu cảnh. Cứ thế, người dân xung quanh vùng tìm đến tôi nhờ đúc chậu. Và tôi bén duyên với nghề đúc chậu cây cảnh từ đó. Không ngờ bây giờ lại trở thành nghề nuôi sống bản thân và gia đình.”

Không có người hướng dẫn hay được đào tạo qua trường lớp, anh Nguyễn Ngọc Dũng tự học hỏi qua sách, báo và mày mò làm. Ban đầu, những chậu cây cảnh do anh làm ra chỉ phục vụ nhu cầu trong địa bàn xã. Càng ngày, tay nghề đúc chậu cây cảnh của anh càng được nâng lên, mẫu mã thêm đa dạng, vì vậy số lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều. Đến nay, cơ sở của anh Nguyễn Ngọc Dũng cho ra lò khoảng 3.500 chậu cây cảnh mỗi năm theo các đơn đặt hàng khắp trong tỉnh. Anh còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 3 lao động thời vụ và hàng chục học viên khác.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng làm chậu cây, nguồn ảnh Internet

Trường hợp thứ hai là anh Nguyễn Mạnh Toàn ở Khu 3, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế giúp ích cho gia đình và xã hội.

Ngay từ khi 3 tuổi, anh Toàn không may bị sốt bại liệt và từ đây đôi chân của anh cũng bị teo cơ không thể tự đi lại được. Không thể đến trường, do việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, đến tuổi vào lớp 1, thấy các bạn gần nhà đi học, anh cũng bắt đầu tập đánh vần từng chữ cái, tập tô từng con số. Thấy anh ham học, bố mẹ anh cũng cố gắng kèm cặp con mỗi ngày và nhờ thầy cô giáo đến tận nhà dạy anh học những kiến thức cơ bản.

Nắm bắt được cơ hội khi nhận thấy mạng Internet phát triển anh đã mua máy tính, mở dịch vụ internet. Năm 2007, nhận thấy việc kinh doanh dịch vụ internet có chiều hướng chững lại, anh cùng vợ bàn bạc thống nhất chuyển hướng kinh doanh, đầu tư buôn bán chăn ga gối đệm, bàn ghế văn phòng và duy trì hiệu quả cho đến nay với thu nhập trung bình từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng.

Anh nguyễn Mạnh Toàn tại cửa hàng của mình, nguồn ảnh Internet

Không chỉ kinh doanh giỏi, anh Toàn còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, phong trào do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, thành phố phát động. Hằng năm, anh đều tham gia hoặc hỗ trợ các hội viên của Hội tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao dành cho người khuyết tật, đóng góp kinh phí tổ chức thăm tặng quà cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết…

Và còn rất nhiều người khuyết tật ngoài kia cũng đang tự mình vươn lên, khắc phục những khó khăn mà bản thân gặp phải. Sự giúp đỡ của cả cộng đồng đối với người khuyết tật thì luôn như vậy, càng trong những hoàn cảnh khó khăn thì sự quan tâm đó lại càng lớn. Thế nhưng, điểm khác biệt nằm ở chỗ, bản thân người khuyết tật cũng luôn cố gắng, tự mình nỗ lực hướng đến mục tiêu cao hơn đó chính là sự hòa nhập, chủ động trong cuộc sống. Và cũng đã đến lúc, chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn về năng lực, quyết tâm và mong muốn của người khuyết tật để họ có thể bằng sự động viên, khích lệ, hỗ trợ của cộng đồng mà vươn lên tự lực và hòa nhập với sự phát triển không ngừng của xã hội.

Nam Phương

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang