(ĐHVO). Trước thềm bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 trong tình hình dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp. Những ngày này khắp nơi trên cả nước, nhiều nơi đã lập phương án phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm bầu cử, giãn tiến độ cử tri đi bầu, bỏ phiếu theo giờ, theo đợt để tránh tập trung đông người, đảm bảo an toàn, bình đẳng trong bầu cử. Trong đó, vấn đề tiếp cận bầu cử cho người khuyết tật (NKT) cũng đang được xã hội đặc biệt quan tâm.
Người khuyết tật tự tay bỏ lá phiếu bầu cử (Hình: internet)
Từ năm 2014, Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật, trong đó có điều ước không phân biệt đối xử với người khuyết tật, đảm bảo người khuyết tật được sống và hòa nhập động đồng, quyền tham gia chính trị, trong đó có quyền tham gia bầu cử và ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có nhiều người khuyết tật hiểu đúng, hiểu đủ, thực hiện quyền cử tri trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp…
Để triển khai công tác bầu cử cho NKT, ngay từ những ngày đầu năm, Hội NKT thành phố Hà Nội đã thông qua các hoạt động của hội để lồng ghép, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp đến với hội viên và các đơn vị trực thuộc, giúp cho NKT bỏ phiếu một cách thuận lợi nhất.
Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố Hà Nội cho biết: “Từ năm 2016, nhiều anh chị em khuyết tật đã được trực tiếp tham gia bỏ phiếu bầu cử nên việc tiếp cận không còn lạ lẫm nữa. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm, Hội NKT Tp. Hà Nội đã thông qua các hoạt động của hội để lồng ghép, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp đến với hội viên và các đơn vị trực thuộc, giúp cho NKT bỏ phiếu một cách thuận lợi nhất. Qua đó, các đơn vị cơ sở, hội viên hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện bầu cử trọng đại, để thực hiện được quyền của mình một cách đầy đủ nhất, như: quyền tự đi bầu, quyền được quan sát và xin tham gia vào thành viên tổ kiểm phiếu theo luật định. Hiện nay, đã có nhiều anh chị lãnh đạo hội khuyết tật địa phương được mời trực tiếp tham gia vào tổ bầu cử, tổ kiểm phiếu… Các anh chị đó cũng xem xét địa điểm bầu cử có thuận lợi cho NKT không, có lối đi riêng cho NKT hay không để từ đó tham mưu, đề xuất với hội đồng bầu cử địa phương tạo điều kiện tiếp cận cho NKT tại các điểm bỏ phiếu.”
Đây cũng là việc đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đến NKT và xã hội về quyền của NKT được bầu cử và đứng ra ứng cử khi xét thấy có đủ năng lực, uy tín. Đồng thời, tuyên truyền thông tin về bầu cử và các ứng cử viên bằng nhiều hình thức để hội viên thuộc nhiều dạng tật có thể tiếp cận được…”
Tại Khoản 1 Điều 69 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân 2015, pháp luật quy định mỗi cử tri “phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay”, tuy nhiên, cũng tại Khoản 3 Điều này, pháp luật lại có những quy định ưu tiên đối với người khuyết tật, cụ thể: “Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu”. Như vậy, đối với quy định này, những cử tri không bị hạn chế về vận động, nhưng có thể gặp các khiếm khuyết dẫn đến không thể tự viết phiếu hoặc bỏ phiếu được, thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người khác.
Cũng theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 11 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, cơ sở chăm sóc người khuyết tật có từ “50 cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng”. Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 69 Luật này quy định về nguyên tắc bầu cử có quy định: “Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”.
Chị Nguyễn Thị Nha tại điểm niêm yết danh sách ứng cử đại biểu.
Chị Nguyễn Thị Nha, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật Hải Dương cho biết: Hiện, chị vẫn đang làm công tác trực chốt ở phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và ngày bầu cử sắp tới được diễn ra an toàn, bình đẳng. Cũng vừa qua, chị đã trực tiếp tới từng gia đình NKT để làm cuộc khảo sát và trợ giúp pháp lý về quyền bầu cử cho NKT. Bên cạnh đó, chị cũng vận động các thôn trong ngày bầu cử tới, sẽ mang hòm bỏ phiếu phụ và phiếu bầu cử đến tận nhà những NKT nặng (không thể tự đi lại được). Như vậy, những người khuyết tật vận động, hạn chế về vận động vẫn có thể được tự tay bỏ lá phiếu của chính mình.
Anh Phạm Quang Khoát, Chủ tịch Hội NKT quận Hoàng Mai chia sẻ về trợ giúp pháp lý và tư vấn về Luật bầu cử trong Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2021.
Anh Phạm Quang Khoát, Chủ tịch Hội NKT quận Hoàng Mai chia sẻ: “Ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18.4 vừa qua, Hội NKT quận Hoàng Mai cũng có tọa đàm chia sẻ về chủ đề Trợ giúp pháp lý và tiếp cận bầu cử với người khuyết tật. Anh Khoát cho biết: Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều NKT hiểu ra trước đây do thể trạng sức khỏe yếu mà họ nhờ bầu hộ mà không hề biết đó là vi phạm quy định của Luật bầu cử và tự tước đi quyền của mình. Sau khi tham gia tọa đàm, hiểu quyền bầu cử không chỉ là quyền bỏ phiếu, mà còn bao gồm quyền đề cử. Nên họ nhắc nhau vào kỳ bầu cở sắp tới, sẽ tự đến điểm bỏ phiếu tập chung và tự tay bỏ lá phiếu của mình.”
Anh Đặng Minh T. (NKT ở Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Trước đây, do tình trạng sức khỏe của tôi không được tốt, đi lại phải có người giúp nên việc bầu cử, tôi thường nhờ người khác bỏ phiếu hộ. Nhưng khi được phổ biến về Luật bầu cử, thì tôi hiểu: Bầu cử là quyền của công dân và mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên sẽ có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Đặc biệt, đối với đối tượng là người khuyết tật, pháp luật đã có sự bảo đảm và ưu tiên để họ có thể thực hiện quyền này của mình một cách dễ dàng và thuận lợi nhất. Thế nên, kỳ bầu cử sắp tới, tôi sẽ tự tay bỏ lá phiếu của chính mình để tham gia vào việc thành lập ra những cơ quan quan trọng nhất của đất nước.”
Như vậy, mặc dù tỷ lệ cử tri là NKT chiếm không cao, tuy nhiên, với mong muốn tất cả các bậc cử tri là NKT đều có thể tự tay bỏ lá phiếu của mình, thể hiện quyền công dân, bình đẳng, ủng hộ các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, phẩm chất. Lãnh đạo các ban ngành phối hợp với lãnh đạo Hội NKT từ tỉnh, thành phố đến các cấp hội…đang nỗ lực vận động, tuyên truyền NKT cố gắng đến điểm bỏ phiếu để thực hiện đúng quyền bầu cử của mình. Bên cạnh đó, các địa phương cũng lập phương án phòng chống dịch Covid-19, giãn tiến độ cử tri đi bầu…để đảm bảo ngày bầu cử thực sự an toàn, bình đẳng./.
Trang Nhung