(ĐHVO). Vừa học xong đại học ngành y, tương lai còn đang rộng mở thì bất ngờ tai nạn ập đến với anh Lâm, khiến anh trở thành người khuyết tật tứ chi, phải nằm liệt giường. Cái khó ló cái khôn, anh liền cải tiến thiết bị tập luyện thông minh qua hệ thống ròng rọc và nhờ thiết bị này, anh sống khỏe được hơn 10 năm qua…
Anh Lâm đang tập luyện qua hệ thống ròng rọc tự mình cải tiến (ảnh: Bùi Hồ).
Anh là Nguyễn Văn Lâm (39 tuổi, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Ba mẹ chia tay từ khi 3 tuổi, anh Lâm ở với ba và cô Chín (là em gái của ba). Ba anh Lâm thần kinh không được tỉnh táo, mọi việc trong nhà đều do một mình cô Chín lo liệu, chăm sóc và nuôi hai đứa con và cháu ăn học thành tài. Sau khi học xong đại học, đi làm được 4 tháng thì tai nạn bất ngờ ập xuống, chiếc xe tải bị mất lái lao vào anh, khiến anh nằm bất động. Anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tình trạng của anh đã bị gãy đốt sống cổ, dẫn đến liệt tứ chi, cơ hội sống chỉ còn 4%. Cô Chín đã đưa anh chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình cũng không khá hơn, khi tiền trong nhà cạn kiệt thì cô Chín đành chấp nhận đưa anh về nhà chăm sóc.
Gia cảnh ngày càng khó khăn, ba anh Lâm không được bình thường, cũng không làm ra tiền. Cả nhà ba người, cứ nương tựa vào nhau, hằng ngày cô Chín đi chợ bán gạo, rau để lo trang trải cuộc sống. Cũng có khi gia đình anh cũng được những người hàng xóm tốt bụng hay mạnh thường quân giúp đỡ. Nhưng do chỉ nằm một chỗ, không được tập luyện nên sức khỏe của anh Lâm ngày một yếu đi. Có lần, anh phải nhập viện do nằm mãi một chỗ, phần mông phía xương cụt bị loét, phải cắt bỏ toàn bộ phần thịt hoại tử ở mông.
Máy tập của anh Lâm cải tiến qua 12 chiếc ròng rọc nhỏ, 1 chiếc ròng rọc lớn và 1 máy bơm.
Từ viện về nhà, anh Lâm cứ trầm ngâm suy nghĩ: “Những năm học đại học, mình đã nỗ lực học để mong ra trường sẽ có một công việc tốt, báo hiếu cho ba và người cô đã nuôi mình ăn học. Để rồi bây giờ, tương lai như chiếc đèn cạn dầu, vừa lóe lên thì tắt vụt. Vậy là tương lai đã chấm hết! Mình bất lực thật rồi, đến tay chân còn không thể cử động được và lại trở thành gánh nặng cho gia đình…”.
Nghĩ đến cô Chín, anh Lâm lại chảy nước mắt, cô Chín mất chồng từ năm 1969, khi ấy cô còn quá trẻ, nhưng một mình ở vậy để nuôi con và chăm sóc hai ba con anh. Đến giờ, mẹ anh Lâm đã mất, cô Chín đã tuổi cao sức yếu, vẫn hằng ngày lo cơm nước cho anh. Anh Lâm buồn tủi chấp nhận số phận, nhưng anh biết, nếu cứ nằm mãi một chỗ, không được tập luyện thì cơ thể anh sẽ yếu dần và đủ thứ bệnh đổ xuống.
Trong một đêm không ngủ, anh nảy ra ý tưởng cải tiến một hệ thống ròng rọc để giúp mình có thể tập luyện cơ tay, chân và phần lưng…tại chỗ. Hôm sau, anh đem ý tưởng nhờ ba anh trợ giúp. Một số mạnh thường quân thấy hoàn cảnh của anh đã tình nguyện giúp toàn bộ chi phí. Thế là máy tập đã chính thức ra đời, với chi phí hơn 3 triệu do các mạnh thường quân ủng hộ. Hệ thống máy tập gồm mười hai ròng rọc nhỏ và một ròng ròng lớn chịu lực; phía dưới là một chiếc mô tơ chạy bằng điện. Toàn bộ hệ thống này là do anh Lâm đã “vẽ” trong đầu và chỉ cách làm cho ba anh và một số người thợ thi công. Hệ thống ròng rọc ra đời thành công, đã giúp anh tập luyện các phần cơ tay, chân, vai, phần lưng và tập bụng… Cũng kể từ đó, cơ thể của anh khỏe hơn, hệ tiêu hóa tốt hơn và không bị ốm đau như trước…
Anh Lâm tươi cười khi chia sẻ.
“Đối với những người khuyết tật, nếu không được tập luyện thì cơ thể sẽ chết dần trong đau đớn, bệnh tật. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tập luyện hay có người giúp đỡ để tập. Nhớ lại những năm đầu tiên khi từ viện trở về, năm nào tôi cũng phải nhập viện với đủ thứ bệnh: dạ dày, tiêu hóa, loét, cơ thể đau nhức khi phải nằm bất động một chỗ. Có nhiều đêm những cơn đau hành hạ khiến tôi không tài nào ngủ được. Chính vì vậy, không chỉ có cô Chín chăm tôi mà cũng nhờ có hệ thống ròng rọc này đã góp phần cứu sống tôi. Cũng mong, mô hình này sẽ được chia sẻ cho nhiều người có hoàn cảnh tương tự tôi, để chúng ta có thể chủ động hơn về sức khỏe của mình; giảm bớt gánh nặng cho gia đình và người thân.” – anh Lâm chia sẻ.
Cô Chín (cô ruột của anh Lâm) chia sẻ.
Cô Chín cho biết: “Năm này tôi đã 78 tuổi rồi, Lâm từ nhỏ đã thiếu tình cảm của mẹ nên tôi vừa là cô vừa là người mẹ. Ba mẹ Lâm cũng mất cả rồi, con trai tôi đã lấy vợ, không sống ở đây. Nhà giờ chỉ còn hai cô cháu. Chục năm nay sức khỏe tôi đã giảm rõ rệt, cũng chỉ có thể chăm sóc, tắm giặt, cơm nước cho Lâm, chứ sức tôi thì không thể đỡ người hay giúp Lâm tập luyện được. Cũng may là cháu rất thông minh, đã nghĩ ra máy này, tôi chỉ việc đặt dây vòng qua vai, chân, tay là cháu tự tập luyện được…”
Hơn 10 năm qua, hệ thống ròng rọc này chính là cải tiến tuyệt vời đã cứu sống anh qua những ngày bạo bệnh. Anh Lâm mong muốn hệ thống ròng rọc sẽ giúp ích được cho nhiều người khuyết tật vận động khác để họ có sức khỏe tốt, tinh thần tốt… để chống chọi lại với bệnh tật hằng ngày và dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.
Trang Nhung