(DHVO). Lâu nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam có rất nhiều người khuyết tật nổi tiếng. Câu chuyện của họ đã lay động trái tim của hàng triệu người. Dù cơ thể không hoàn hảo, lành lặn nhưng ở họ lại tỏa sáng khát khao cống hiến, khát khao sống và nghị lực phi thường. Họ đã vượt lên số phận nghiệt ngã, làm được những việc phi thường khiến cả thế giới kinh ngạc và nể phục.
Đó là Nick Vujicic – người không có chân tay nhưng đã viết nhiều cuốn sách nổi tiếng và đi khắp thể giới để diễn thuyết; đó là Hellen Keller – nữ nhà văn, nhà hoạt động xã hội khuyết tật người Mỹ, Lugwig Van Beethoven – nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức hay John Brambritt – họa sỹ mù người Anh…
Ngay tại Việt Nam, cũng có rất nhiều người khuyết tật được đông đảo mọi người biết đến. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – “người dùng chân viết số phận”. Dù bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi, thầy vẫn quyết tâm đến trường, cắn răng chịu đau luyện tập dùng chân để viết và trở thành Nhà giáo Ưu tú. Nguyễn Công Hùng được biết đến là người khuyết tật thành công trong ngành công nghệ thông tin. Năm 2012, anh được tạp chí eChip bầu chọn là Hiệp Sĩ Công nghệ thông tin và nhiều danh hiệu khác do nhà nước trao tặng. Hay “Chú lùn” Nguyễn Sơn Lâm – chàng trai chỉ cao chưa đầy 90cm chinh phục Fansipan, lập công ty riêng, tự tin diễn thuyết trước đám đông, truyền sinh lực và niềm tin cho hàng ngàn người. Nữ nhà văn Trần Trà My với tình yêu cuộc sống được truyền tải trong những áng thơ đầy nghị lực. Em bé Linh Chi – “Nick Vujivic” của Việt Nam. Bùi Ngọc Thịnh được xem là kỷ lục gia châu Á khi chỉ mới 12 tuổi nhưng đã biết chơi 7 loại nhạc cụ. Nguyễn Phương Anh – cô gái bệnh xương thủy tinh với tình yêu âm nhạc mãnh liệt.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký (Nguồn: Internet)
Ngoài những người nổi tiếng kể trên, từng ngày, từng giờ ở trên khắp mọi miền tổ quốc vẫn đang có rất nhiều người khuyết tật miệt mài cống hiến, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Những hành động, những thông điệp họ mang đến đã và đang khiến họ đặc biệt hơn, quý giá hơn và khiến chúng ta – những người bình thường thấy khâm phục và trân trọng họ.
Đối với người khuyết tật, những công việc sinh hoạt hàng ngày với họ rất khó khăn, thậm chí là không thể. Nhưng, rất nhiều người khuyết tật không vì thế mà thất vọng, bỏ cuộc, họ vẫn yêu cuộc sống, vẫn lạc quan và nỗ lực. Vượt qua những định kiến, những lời chê bai và cả những hoài nghi về bản thân, họ đã và đang chiến đấu, đang bứt phá và đem đến cho cuộc đời những giá trị vô cùng tốt đẹp, đáng quý.
Từng có câu nói: “Tôi từng khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy người không có chân để đi giày”. Câu nói này như nhắc nhở chúng ta về niềm tin và nghị lực sống. Mỗi người chúng ta, nhất là các bạn trẻ hãy cố gắng trở thành “tấm gương” của chính mình, trở thành “người nổi tiếng của chính mình” với những quyết tâm và nỗ lực của bản thân để cùng đồng hành với những người khuyết tật dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phương Loan