(DHVO) Hoạt động giải trí có ý nghĩa để giải tỏa căng thẳng, giúp mọi người có thể cân bằng lại cuộc sống. Mọi người đề có thể dễ dàng tiếp cận với các hoạt động giải trí nhưng lại là “xa xỉ” đối với NKT.
Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT và họ hoàn toàn có quyền được tiếp cận và tham gia các hoạt động giải trí như bao người khác. Đặc biệt, để NKT có thể tự tin hòa nhập cộng đồng thì việc tiếp cận và tham gia các hoạt động giải trí là việc làm cần thiết. Gia đình và toàn xã hội cần chung tay để NKT được tiếp cận với các hoạt động giải trí.
Vai trò của các hoạt động vui chơi, giải trí đối với NKT
Không chỉ có tầm quan trọng với nhiều đối tượng mà đối với NKT vui chơi, giải trí và thể thao sẽ giúp phát triển kỹ năng vận động, trí tuệ, nhận thức, xã hội: nhờ các hoạt động thể thao, vui chơi… cơ thể được vận động, sức khỏe được tăng cường, đặc biệt có ích với trẻ em khuyết tật. Thông qua vui chơi, trẻ em khuyết tật tìm hiểu thế giới xung quanh, giúp tăng cường hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm sống.
Nếu cho rằng NKT không thể tham gia vào các hoạt động giải trí thì thật không công bằng. Bởi lẽ nếu khiếm thị thì họ vẫn có thể chơi nhạc, liệt hai chân vẫn có thể bắn cung….Chính những NKT vẫn đang ngày ngày cố gắng, nỗ lực để hòa nhập cộng đồng. Vậy tại sao chúng ta lại hạn chế đi khả năng của họ?
NKT gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động giải trí
NKT đang gặp nhiều rào cản khi đi du lịch cũng như tham gia các hoạt động văn hóa thể thao.
Hiện nay, nhiều hãng du lịch không “mặn mà” với những khách du lịch là NKT. Nguyên nhân đầu tiên là cơ sở hạ tầng du lịch của nước ta phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu của NKT. Ở nhiều nơi, phần lớn vẫn là bậc tam cấp mà chưa có đường dốc thoải, không có lối đi riêng cho NKT.
Hệ thống đường sá vẫn còn nhiều chỗ chênh lệch lớn về độ cao; các xe buýt, taxi chưa có thang nâng giúp người sử dụng xe lăn lên, xuống dễ dàng. Tại nhiều địa điểm tham quan du lịch thiếu nhà vệ sinh thiết kế riêng cho NKT… Bên cạnh đó, các tour du lịch bình thường chỉ cần 1-2 hướng dẫn viên đi theo, nhưng nếu có NKT tham gia sẽ cần thêm nhiều người hỗ trợ. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là phần lớn NKT ở Việt Nam có thu nhập thấp, thuộc diện hộ nghèo. Nếu có mong muốn đi du lịch, họ chỉ có thể lựa chọn những tour du lịch giá thấp…
Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất để NKT có thể tiếp cận đến các hoạt động giải trí còn hạn chế từ các công trình cho NKT đến các hoạt động hỗ trợ cho NKT còn ít, so với lượng NKT ở Việt Nam thì các chương trình giải trí hay sân chơi cho NKT còn chưa đáng kể. Bên cạnh đó đa số sân chơi, bãi tập đều được thiết kế theo tiêu chuẩn dành cho người bình thường, nên những NKT rất khó để thích nghi. Mặt khác, thời gian đầu mới tập luyện, NKT còn vấp phải không ít khó khăn đến từ sự phân biệt của một số người.
Cần thêm nhiều hơn nữa các hoạt động giải trí dành cho NKT
Nhiều nước trên thế giới tiến hành tổ chức hoạt động giải trí cho NKT thông qua các cuộc thi, các kỳ thế vận hội cho NKT: tại các sân chơi đó NKT được phát huy khả năng của bản thân, thể hiện họ cũng giống bao người khác dù không lành lặn nhưng họ vẫn có thể làm nên nhiều điều. Những điều mà người khác làm được họ cũng làm được.
Ở Việt Nam, nhiều chương trình cũng được tổ chức tạo sân chơi bổ ích cho NKT. Để hiện thực hóa quyền được tham gia và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của NKT, những năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, cải thiện sinh hoạt cho NKT, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui chơi, giải trí cho NKT. Một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc và sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng đó là việc Hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội thi tiếng hát NKT lần thứ nhất năm 2014. Năm nay, Hội thi tiếng hát NKT lần thứ II năm 2019 được tổ chức với chủ đề “Những trái tim khát vọng”. Hội thi do Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và quyền được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật của NKT; khuyến khích họ tự tin thể hiện tài năng, năng khiếu trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật của mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho NKT. Qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã có sự quan tâm nhất định đến phong trào thể thao dành cho NKT. Bên cạnh sân chơi, bãi tập đúng tiêu chuẩn, các tỉnh còn xây dựng đội tuyển VĐV khuyết tật ở các môn thể thao điển hình, đại diện cho tỉnh nhà tham gia thi đấu và giành thành tích cao tại giải thể thao NKT các cấp.
NKT cũng là những đối tượng cần vui chơi, giải trí giống bao người khác, hoạt động giải trí cho họ cần phù hợp với khả năng của mỗi người. Bên cạnh các trung tâm giải trí cho người bình thường cũng cần có các trung tâm dành riêng cho NKT. Nhà nước cũng như các Bộ, Ngành, đoàn thể cần có kế hoạch cụ thể trong xây dựng và đưa vào hoạt động các khu giải trí dành riêng cho NKT, cũng như tiến hành các buổi tọa đàm, các chuyến du lịch cho NKT giúp họ chia sẻ và hòa nhập hơn với xã hội
Hồng Liên