(ĐHVO). Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 thì vắc xin phòng Covid – 19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để thiết lập hệ miễn dịch cộng đồng, từ đó góp phần phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội. Người khuyết tật là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid -19 trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.
Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin – 19 cho toàn công dân của nước mình. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, sản xuất cũng như mua vắc xin từ nước ngoài về để tiêm chủng. Trong chiến dịch lần này, Bô y tế nêu rõ đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người dân, đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng. Tuy nhiên, do vắc xin trong nước sản xuất đang trong quá trình thử nghiệm, số lượng vắc xin từ các nước nhập về Việt Nam thì còn hạn chế, do đó sẽ ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và một số đối tượng đặc biệt khác.
Ảnh minh họa: Internet
Ngày 08/7/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022. Theo đó, 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid – 19 bao gồm:
– Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);
– Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…);
– Lực lượng Quân đội;
– Lực lượng Công an;
– Nhân viên, cán bộ Ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;
– Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
– Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;
– Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;
– Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;
– Người sinh sống tại các vùng có dịch;
– Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
– Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
– Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;
– Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;
– Người lao động tự do;
– Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.
Người khuyết tật là một trong những đối tượng được hưởng chính sách xã hội, thuộc đối tượng ưu tiên thứ 11. Do đó, khi nhà nước tiến hành chiến dịch tiêm chủng quốc gia thì Người khuyết tật được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong diễn biến phức tạp của đại dịch, người khuyết tật là nhóm đối tượng người dễ bị tổn tương hơn bao giờ hết. Việc người khuyết tật được ưu tiên tiêm vắc xin Covid -19 là niềm động viên sâu sắc, kịp thời, giúp họ vượt qua khó khăn cũng như chiến thắng đại dịch, thực hiện mục tiêu của Chính phủ là đẩy nhanh tiêm vắc xin, hướng tới miễn dịch cộng đồng để không ai bị bỏ lại phía sau.
Vì là đối tượng đặc biệt nên để việc tiêm chủng được diễn ra đảm bảo an toàn, thì cần phải sàng lọc kỹ lương, việc theo dõi sức khỏe sau tiêm cũng cần phải thực hiện nghiêm ngặt, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Công Năng