Người khuyết tật được học tập suốt đời theo Đề án Xã hội học tập giai đoạn 2021-2030

(ĐHVO). Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời. Đây là một trong số những nội dung theo Đề án Xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt.

Quyền học tập của Người khuyết tật

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia. Theo đó, Người khuyết tật được hưởng các chế độ ưu tiên trong quá trình học tập như sau:


Nguồn ảnh: Internet

1. Miễn, giảm học phí

Người khuyết tật là trẻ em, học sinh có khó khăn về kinh tế học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống cơ sở giáo dục quốc dân thì được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Đồng thời, những đối tượng trên cũng được hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp với mức là 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng khác; thời gian được hưởng được tính theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

2. Hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập và chính sách học bổng

Người khuyết tật không phụ thuộc vào dạng tật hay mức độ khuyết tật mà đều được hưởng chế độ hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập và cấp học bổng. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể: người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo mà được hỗ trợ kinh phí đề mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập là 1.000.000 đồng/người/năm. Nếu cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Bên cạnh đó, tại các cơ sở giáo dục công lập có NKT đang theo học được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua sách, tài liệu học tập, đồ dùng học tập đặc thù dùng chung đảm bảo ở mức tối thiểu.

Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Trường hợp người khuyết tật đã nhận học bổng và kinh phí hỗ trợ mua phương tiện, đồ dùng học tập mà bỏ học hoặc bị buộc thôi học thì phải trả lại số tiền đã nhận kể từ thời điểm bỏ học hoặc bị buộc thôi học cho cơ quan thực hiện chi trả để nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Người khuyết tật được học tập suốt đời theo Đề án Xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030

Đề án Xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021.

Theo nội dung của Đề án, mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận với các hình thức, mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Trong đó, nổi bật với một số nội dung sau:

–  Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

Đề án đưa ra mục tiêu phần đấu đến năm 2030: 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

– Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân:  70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên.

– Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 90% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục;

– Xây dựng các mô hình học tập trong xã hội: 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.

Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là:

– Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác; Tổ chức hiệu quả Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam hằng năm; Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

– Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập mà nổi bật là sự chú trọng, quan tâm đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội: Người khuyết tật. Nhận thức được việc người khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt kinh tế cũng như các vấn đề khác để có thểm tham gia học tập. Đề án đã nêu rõ nhiệm vụ của các cấp cần: “Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời”.

– Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời.

– Đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.

– Tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời.

– Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa.

Đề án đã nêu rõ những nội dung cần phấn đấu cũng như nhiệm vụ, giải pháp cần hoàn thành đế đạt được mục tiêu học tập suốt đời, đặc biệt quan tâm đối với đối tượng là người khuyết tật. Hy vọng với sự quyết tâm, thực hiện quyết liệt của các cấp chính quyền, Đề án sẽ là bước đột phá trong việc cải cách giáo dục ở nước ta trong tương lai.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang