Người khuyết tật dự kiến được tăng trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngày 01/07/2024

(ĐHVO). Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện Dự thảo đề xuất tăng mức trợ cấp xã hội, sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, nếu Dự thảo được Chính phủ xem xét và quyết định áp dụng, người khuyết tật sẽ được tăng mức trợ cấp xã hội từ ngày 01/07/2024.

Ảnh minh họa

Mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP

Nghị định 20/2021/NĐ-CP (Nghị định 20) về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được ban hành ngày 15/3/2021, có hiệu lực ngày 01/7/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng là 360.000 đồng (bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2022-2025), đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được nhận mức trợ cấp bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng.

Theo điểm e Điều 6 Nghị định 20, hệ số nhân mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật từ 1,5 đến 2,5, tức người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội theo luật định sẽ được hưởng 540.000 đến 900.000 đồng hàng tháng, được áp dụng từ ngày 01/7/2021.

Các phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 20

Dự thảo sửa đổi Nghị định 20 đề xuất hai phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng hoặc 750.000 đồng/tháng và bổ sung ba nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, dự kiến áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Cụ thể, phương án thứ nhất, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, tức bằng khoảng 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn, kinh phí dự kiến bố trí hàng năm khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Nếu phương án này được phê duyệt và thực hiện từ ngày 01/7/2024, ngân sách cần tăng thêm 4.700 tỷ đồng của năm 2024.

Phương án thứ hai, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tức bằng khoảng 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn, kinh phí dự kiến bố trí hàng năm khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng khoảng 26.000 tỷ đồng/năm. Nếu phương án này được phê duyệt và thực hiện từ ngày 01/7/2024, ngân sách cần tăng thêm 13.000 tỷ đồng của năm 2024.

Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn đề xuất bổ sung ba nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, bao gồm: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng, trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75-80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ xem xét phương án thứ nhất và bổ sung ba nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nêu trên, như vậy, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 17.000 tỷ đồng từ năm 2024. Liên quan đến vấn đề kinh phí này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét và thống nhất, sẽ sớm trình Chính phủ ban hành trong năm 2024.

Dự kiến mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật áp dụng từ 01/7/2024

Nếu Dự thảo sửa đổi Nghị định 20 được Chính phủ phê duyệt, áp dụng từ ngày 01/7/2024, mức chuẩn trợ giúp xã hội sẽ được tăng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng.

Về hệ số nhân mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, Nghị định 20 quy định như sau:

– Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

– Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

– Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;

– Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng;

Theo đó, mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật là đối tượng thụ hưởng dự kiến áp dụng từ 01/7/2024 nếu được Chính phủ phê duyệt được tính như sau:

STT Đối tượng Hệ số nhân Mức trợ cấp xã hội hàng tháng dự kiến
1 Người khuyết tật đặc biệt nặng 2,0 1.000.000
2 Trẻ em khuyết tật đặc biệt hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng 2,5 1.250.000
3 Người khuyết tật nặng 1,5 750.000
4 Trẻ em khuyết tật đặc biệt hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng 2,0 1.000.000

Trong 10 năm qua, mặc dù mức lương cơ sở đã điều chỉnh 6 lần nhưng mức chuẩn trợ giúp xã hội chỉ tăng 2 lần. Việc điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lần này là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong tình hình nền kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang