Diễn đàn Chính phủ – Phi Chính phủ ASEAN về Phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 18

(ĐHVO). Ngày 13/11, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội thực hiện nghĩa vụ thành viên trong ASEAN và với vai trò là Cơ quan đầu mối hợp tác về phúc lợi xã hội và phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Chính phủ – Phi Chính phủ ASEAN về Phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 18 diễn ra tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ của các nước thành viên ASEAN, Timor Leste (quan sát viên), Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và phát triển tại Việt Nam và trong khu vực ASEAN.

Diễn đàn Chính phủ – Phi Chính phủ ASEAN về Phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 18 với chủ đề “An sinh xã hội thích ứng với bối cảnh mới” nhằm mục tiêu trao đổi về những thách thức chính mà các hệ thống an sinh xã hội đang phải đối mặt và những biện pháp được các nước thực hiện hoặc lên kế hoạch để ứng phó với những thách thức đó, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ của của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD) lần thứ 19 và các sự kiện liên quan do Việt Nam chủ trì tổ chức với vai trò là Chủ tịch SOMSWD 2023-2024. Các khuyến nghị đưa ra tại diễn đàn sẽ được tổng hợp và chia sẻ tại Hội nghị SOMSWD lần thứ 19 tổ chức từ ngày 15 đến 17/11/2023 để ghi nhận và lồng ghép vào trong các hoạt động hợp tác của SOMSWD.

Phát biểu khai mạc, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh việc xây dựng các chiến lược quản lý, kiểm soát và phòng dịch một cách bền vững, lâu dài là nhiệm vụ quan trọng các quốc gia nên tập trung. Những bài học vô giá rút ra trước và trong đại dịch COVID-19 cần được đưa vào các chính sách, kế hoạch và hệ thống an sinh xã hội quốc gia cả trong trung và dài hạn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng đến những xu hướng mới nổi trong khu vực như thay đổi nhân khẩu học, di cư, tác động của biến đổi khí hậu và tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng, cùng với tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng dai dẳng. Đây là những vấn đề đang có những tác động đáng kể và đòi hỏi sự đáp ứng từ hệ thống và biện pháp an sinh xã hội của các nước thành viên ASEAN.

Ông Lưu Quang Tuấn nhấn mạnh các quan điểm, khuyến nghị chất lượng của các đại biểu đưa ra tại diễn đàn sẽ là đầu vào cho các thảo luận tiếp theo của các quan chức cấp cao cũng như là nền tảng để các Bộ trưởng ASEAN đưa ra các chính sách an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong thời gian tới.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực an sinh xã hội tại Việt Nam cho biết: “Đại diện cho người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến và gửi cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các văn kiện khu vực liên quan đến người khuyết tật như Tuyên bố Bali về tăng cường vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN; Thập kỷ ASEAN của người khuyết tật 2011-2020; Tuyên bố ASEAN về tăng cường an sinh xã hội; kế hoạch tổng thể ASEAN 2025: Lồng ghép quyền của người khuyết tật. Đây là những tuyên bố, kế hoạch quan trọng, mang tính định hướng và góp phần đáng kể trong thúc đẩy quyền của người khuyết tật không chỉ tại mỗi quốc gia thành viên mà trong toàn khu vực ASEAN”.

Ông Đặng Văn Thanh bày tỏ sự đánh giá cao chủ đề An sinh xã hội thích ứng trong bối cảnh mới” của Diễn đàn lần thứ 18 góp phần thực hiện các mục tiêu lâu dài và các cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN tự cường, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, thể hiện ở việc Chính phủ và phi chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng nhau hành động để đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân. Kết quả của Diễn đàn sẽ mang tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ đến các cơ quan nhà nước để góp phần xây dựng chính sách và phát triển hệ thống an sinh xã hội đáp ứng các nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong thời gian tới.

Với chủ đề An sinh xã hội thích ứng trong bối cảnh mới”, tại diễn đàn, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ về thực trạng chính sách, pháp luật cũng như những điển hình tốt về an sinh xã hội để đáp ứng với các xu hướng mới nổi trong ASEAN và trên thế giới, đồng thời trao đổi để đưa ra những khuyến nghị để tăng cường các biện pháp nhằm phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội, đảm bảo hệ thống an sinh xã hội tiếp cận, hòa nhập và lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top