Người khuyết tật có phải người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc?

(ĐHVO). Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Pháp luật luôn tôn trọng ý chí của người để lại di sản nên việc phân chia di sản thừa kế sẽ được ưu tiên thực hiện theo di chúc (di chúc đó hợp pháp theo quy định của pháp luật); những người thừa kế phải tôn trọng và thực hiện theo đúng di chúc. Tuy nhiên, pháp luật quy định một số người vẫn được hưởng di sản thừa kế dù người để lại di chúc không phân chia tài sản cho họ (gọi là người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc). Sau đây, xin mời bạn đọc cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt tìm hiểu quy định trên.


Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Câu hỏi : Em là Nguyễn Thị B, 26 tuổi, quê Ninh Bình, là người khuyết tật đặc biệt nặng, bị liệt cột sống chỉ có thể nằm một chỗ, không có khả năng lao động. Gia đình em có 3 người, bố, em và em trai em (mẹ em mất sớm không để lại tài sản gì, ông bà nội ngoại cũng không còn ai). Khi còn sống, bố em có mua được 1 mảnh đất rộng 120m2 , trên đất xây một căn nhà cấp 4 có diện tích 120 m2. Do già yếu nên bố em đã qua đời vào tháng 8/2021 vừa qua, trước khi mất, bố em để lại di chúc cho em trai em toàn bộ tài sản trên. Liệu em có được thừa kế di sản dù không được chia di sản không ạ? Xin Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt giải đáp giúp em thắc mắc này. Em xin chân thành cảm ơn.

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn, với thắc mắc của bạn, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt xin giải đáp như sau :

I. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự;

Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

– Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ hướng dẫn Luật người khuyết tật;

– Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành 1 số điểm của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/09/2008 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

II. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là những người vẫn được hưởng phần di sản, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Những người này sẽ được hưởng bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. Mục đích của quy định này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có mối quan hệ gần gũi, mật thiết nhất đối với người để lại di sản.

Theo đó, những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc bao gồm:

– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

– Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Dựa trên quy định này, dù trong di chúc không đề cập đến việc chia di sản cho con chưa thành niên (con chưa đủ 18 tuổi), cha, mẹ vợ chồng thì họ cũng vẫn được hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.

Đối với con đã thành niên, họ vẫn có thể được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nếu không có khả năng lao động. Pháp luật không có quy định cụ thể giải thích trực tiếp “con đã thành niên không có khả năng lao động”. Tuy nhiên, hiện tại đang có một số văn bản đề cập đến người không còn khả năng lao động:

Thứ nhất, tại mục 1.4 Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn như sau: “1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) ….”

Như vậy, nếu theo như văn bản trên thì ta có thể hiểu NKT từ 18 tuổi trở lên, bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên sẽ thuộc đối tượng “con đã thành niên không có khả năng lao động”. Đối chiếu với điểm a, khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP: “Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;”, như vậy NKT đặc biệt nặng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Thứ hai, tại Mục 3.1.6 của Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 có quy định về khái niệm người tàn tật không có khả năng lao động để xét giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập như sau:

“Người tàn tật, không có khả năng lao động là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc tự bản thân khai có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biều hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc. Ví dụ: Xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, bị di chứng chất độc màu da cam…”.

Như vậy, pháp luật chưa có sự thống nhất hay quy định rõ ràng, cụ thể một cách trực tiếp về người không có khả năng năng lao động. Do đó, đối với trường hợp người bố mất đi nhưng không để lại di sản cho con là NKT, Tòa án phải cẩn trọng xem xét, cần dựa vào hồ sơ sức khỏe của NKT, xác nhận của chính quyền địa phương cũng như tình trạng sức khỏe thực tế của NKT để xác định rằng liệu họ có hay không có khả năng lao động. Dựa vào đó, Tòa án có căn cứ ra quyết định NKT thuộc hoặc không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự hiện hành.

Trong trường hợp này, tuy đã thành niên nhưng vì bạn là người khuyết tật đặc biệt nặng, bị liệt cột sống, không có khả năng lao động nên bạn vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế từ bố bạn.

Trên đây là những giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về quyền thừa kế di sản của bạn. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trân trọng!

Tiểu Nguyên

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang