(ĐHVO). Stella Young, một nhà báo, người diễn hài kịch và là nhà hoạt động vì người khuyết tật tại Úc đã có những lời chia sẻ đầy xúc động trong một buổi diễn thuyết, nêu lên quan điểm của cô về cái nhìn của cộng đồng đối với người khuyết tật.
Có lẽ trong cuộc sống khi nói đến những người yếu thế này, chúng ta vẫn thường nhìn họ bằng hai thái độ khác nhau. Một là dè bỉu, chê bai đến thương hại. Hai là ngưỡng mộ, ngợi ca không tiếc lời, thậm chí coi họ là những con người phi thường. Và Stella Young đã khẳng định: “Tôi không phải là người truyền cảm hứng” để nói lên sự ngưỡng mộ quá đà của cộng đồng dành cho người khuyết tật.
Stella Young trong một buổi diễn thuyết, nguồn ảnh Internet
Stella Young lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Úc, tuổi thơ của cô diễn ra êm đềm như bao đứa trẻ khác. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi cô 16 tuổi, một người đến gặp cha mẹ cô và đề cử cho cô giải thưởng “Thành tựu cộng đồng”. Lúc đó Stella đã nghĩ mình không làm gì để có thể coi là phi thường, cô đi học, đạt điểm tốt và có một công việc ổn định, nếu như mọi người không tính đến việc cô bị khuyết tật.
Trong quá trình đi làm Stella Young nhận ra, mọi người chỉ biết đến người khuyết tật “như một công cụ truyền cảm hứng”. Đa số nghĩ rằng người khuyết tật không phải người bình thường như bao người khác, với họ người khuyết tật sống được với sự khuyết tật của mình sẽ là người phi thường. Với Stella cô không cho rằng khuyết tật là điều bất hạnh và nó cũng không khiến bạn trở nên phi thường.
Stella Young khẳng định: “Người khuyết tật chúng tôi bền bỉ và mạnh mẽ không phải để đối phó với cơ thể khiếm khuyết hay bệnh tật mà là để đối phó với việc thế giới coi chúng tôi là những người khác biệt và xem như công cụ. Quan niệm “khuyết tật là khác biệt” chính là sự bất công lớn nhất, nó khiến cuộc sống thật khó khăn với chúng tôi”. Theo quan điểm của Stella: khuyết tật không có gì “khác biệt” mà là “bình thường”.
Có lẽ vấn đề lớn nhất của người khuyết tật đến từ suy nghĩ của những người không khuyết tật. Chúng ta không phủ nhận việc khiếm khuyết về cơ thể khiến người khuyết tật gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng những con người đó vẫn đang nỗ lực từng ngày để được công nhận là “người bình thường”. Họ không cần sự thương hại để trở thành người truyền cảm hứng, họ cần là chính họ để làm người bình thường.
Hiện nay chúng ta chứng kiến không ít việc các phương tiện truyền thông sử dụng người khuyết tật như một công cụ truyền cảm hứng để thu về lợi nhuận hay việc các cá nhân, công ty tổ chức từ thiện để nâng cao hình ảnh bản thân,…Nếu người khuyết tật vẫn bị xem là khác biệt thì mọi nỗ lực giúp đỡ người khuyết tật đều là giải pháp tình thế.
Đã đến lúc cộng đồng cần có cái nhìn bình đẳng hơn đối với người khuyết tật. Những con người đó sẽ cố gắng từng ngày để vươn lên hòa nhập với cộng đồng và chúng ta cũng sẽ cố gắng từng ngày để đối xử với họ như những người bình thường.
Lan Phương