(ĐHVO). Người khuyết tật tuy bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng nếu thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc hỏi: Xin chào, anh trai tôi là người khuyết tật (mất một cánh tay trái), do tính tình nóng nảy nên mới đây đã đánh gây thương tích nặng cho một người hàng xóm. Vậy cho tôi hỏi anh trai của tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, nếu có anh tôi có được hưởng tình tiết giảm nhẹ nào hay không? Xin cảm ơn.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet
Trả lời:
ThS. LS Nguyễn Thị Hồng Liên – Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:
Thứ nhất, một người khuyết tật hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi vi phạm có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm và không bị mất năng lựa hành vi dân sự.
Thứ hai, pháp luật hình sự quy định có nhiều tình tiết giảm nhẹ cho đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó, đối với người khuyết tật, chỉ khi là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì người đó mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Người khuyết tật có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, nếu anh trai bạn là người mất năng lực hành vi dân sự được Tòa án ra quyết định tuyên bố theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan thì mới không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, dựa theo thông tin bạn cung cấp, anh của bạn bị mất một cánh tay trái, thuộc dạng khuyết tật vận động theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người khuyết tật. Trong khi đó, người mất năng lực hành vi dân sự khi người này bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi theo Điều 22 Bộ luật dân sự 2015. Như vậy, nếu chỉ bị mất một cánh tay thì anh của bạn không thể được kết luận là người mất năng lực hành vi dân sự.
Do đó, anh trai của bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Người khuyết tật có được hưởng tình tiết giảm nhẹ hay không?
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định có 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có:
“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
[…] p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; […]”
Như vậy, đối với trường hợp là người khuyết tật, chỉ khi được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoặc Hội đồng giám định y khoa kết luận là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì người đó mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong đó:
– Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc. Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
Do đó, để biết mình có thuộc trường hợp được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không, người khuyết tật cần có Giấy xác nhận mức độ khuyết tật thông qua thủ tục xác định mức độ khuyết tật do UBND cấp xã cấp.
Căn cứ Điều 18 Luật Người khuyết tật 2010, thủ tục xác định mức độ khuyết tật được thực hiện như sau:
– Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Tóm lại, người khuyết tật nếu thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà không bị mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình gây ra.
Không phải tất cả người khuyết tật đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà chỉ có người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng mới được xem xét để giảm nhẹ hình phạt. Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người khuyết tật, người khuyết tật cần có Giấy xác nhận khuyết tật về mức độ khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt về trường hợp của bạn. Hy vọng với sự tư vấn trên, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện và giải quyết được những vướng mắc của mình.
Hồng Liên