(ĐHVO). Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm hình sự của trường hợp phạm tội cụ thể theo hướng giảm xuống so với trường hợp bình thường.Tòa án có thể căn cứ vào đó để xử phạt nhẹ hơn mức bình thường hoặc tha miễn hình phạt cho bị cáo. Vậy, đối với bị cáo là người khuyết tật thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?
Câu hỏi: Em trai tôi là người khuyết tật. Vào tháng 6/2020, do không hiểu biết nên đã vận chuyển ma túy giúp bạn đến địa điểm giao hàng. Trên đường vận chuyển thì bị công an bắt. Gia đình tôi mới nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử để xét xử em trai tôi về hành vi Vận chuyển trái phép chất ma túy. Vậy, tôi muốn được tư vấn trường hợp em trai tôi là người khuyết tật thì có được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Đại diện Ban Cố vấn pháp luật của Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – Luật sư Đinh Thị Nguyên tư vấn cho bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật hình sự 2015;
– Luật Người khuyết tật 2010;
– Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.
2. Nội dung tư vấn
a. Trường hợp nào được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định về khung hình phạt đối với bị cáo. Điểm p Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự quy định trường hợp: “Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”.
Như vậy, nếu là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thì người phạm tội sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu là người khuyết tật nhẹ thì sẽ không là yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, với những người là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì hình phạt có thể sẽ nhẹ hơn người bình thường với cùng một mức phạm tội. Cụ thể: giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, giảm nhẹ án tù, án treo.
Ảnh (Internet)
b. Người khuyết tật nặng và Người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật
Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Mức độ khuyết tật được chia thành người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật nhẹ (Điều 3 Luật Người khuyết tật).
Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP định nghĩa về người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng cụ thể:
– Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
– Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
c. Xác định mức độ khuyết tật
Để có thể xác định chính xác như thế nào là người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó là căn cứ để người khuyết tật được hưởng những chính sách, ưu đãi của Nhà nước. Thủ tục xác định mức độ khuyết tật được hướng dẫ tại Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP. Cụ thể:
– Hội đồng xác định mức khuyết tật căn cứ vào quy định của pháp luật và quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật, trừ một số trường hợp đặc biệt. Hội đồng xác định mức khuyết tật bao gồm các thành viên: Chủ tịch xã là Chủ tịch hội đồng; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
– Hội đồng giám định y khoa xác định và kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật.
– Trường hợp người khuyết tật có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phụ vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực thị Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
+ Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
+ Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
– Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật được thực hiện dựa vào quan sát trực tiếp và sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí.
Như vậy, trong trường hợp của em trai bạn, nếu được xác định mức độ khuyết tật là người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng thì có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu là người khuyết tật nhẹ thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trên đây là tư vấn của Ban cố vấn pháp luật Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt.
Công Năng.