(ĐHVO). Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã tạm thời cho đóng cửa các chợ. Vì vậy, nếu người khuyết tật buôn bán nhỏ lẻ phải tạm dừng buôn bán do các chợ bị đóng cửa thì có được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP không?
Trung tâm trợ giúp pháp lý Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt có nhận được câu hỏi của bạn đọc thắc mắc như sau: “Tôi là người khuyết tật có kinh doanh nhỏ lẻ tại xã X, huyện CM, thành phố Hà Nội. Nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tạm đóng chợ và tôi nghỉ bán hàng cũng đã 4 tháng nay. Gần đây tôi thấy một số địa phương đã tiến hành hỗ trợ những đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, vì vậy, tôi có thắc mắc là trường hợp của mình được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP hay không. Tôi xin chân thành cảm ơn?”
Với thắc mắc của bạn đọc, Luật gia Nguyễn Thị Hồng Liên trả lời như sau:
Trường hợp 1: Trường hợp của bạn đọc, nếu người khuyết tật kinh doanh có đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế.
– Điều kiện hỗ trợ:
Căn cứ Điều 35 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định thì hộ kinh doanh được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
+ Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
– Mức hỗ trợ và phương thức chi trả: Điều 36 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định chỉ trả 01 lần cho hộ kinh doanh với mức hỗ trợ chi trả là 3.000.000 đồng.
– Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện: Điều 37 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để nhận hỗ trợ đối với hộ kinh doanh như sau:
+ Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo mẫu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.
+ Trong 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.
+ Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp.
+ Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp 2: Nếu bạn đọc là người khuyết tật là buôn bán tự do, nhỏ lẻ, không đăng ký hộ kinh doanh mất việc, tạm dừng kinh doanh theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố thì thuộc đối tượng được hỗ trợ đối với lao động tự do.
Căn cứ Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) cụ thể như sau:
– Đối tượng: hỗ trợ người lao động (theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Việc làm) làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố; người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vục bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
– Điều kiện hỗ trợ: Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (lao động tự do) được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
+ Cư trú hợp pháp
+ Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
– Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần và chi trả trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
– Cách thức tổ chức thực hiện:
Bước 1: Người lao động lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng, hồ sơ gồm có:
– Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu.
– Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường, thị trấn cấp.
(Người lao động có nơi thường trú và nơi tạm trú không trong cùng phạm vi một xã, phường, thị trấn, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định này và ngược lại.
* Thời gian người lao động gửi hồ sơ xét duyệt chậm nhất là ngày 31/01/2022.
Bước 2. Trong 06 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
– Thành lập Hội đồng xét duyệt (sau đây gọi tắt là Hội đồng) gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã – Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách Văn hóa xã hội – Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm: công chức Lao động – Thương binh và Xã hội, công chức tư pháp hộ tịch, lãnh đạo MTTQ, Trưởng Công an; Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn, cảnh sát khu vực.
– Hội đồng cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.
– Ủy ban nhân dân cấp xã công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố (nếu có), trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn (nếu có) trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện (kèm theo biên bản họp Hội đồng).
– Ủy ban nhân dân cấp huyện giao phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ trong 02 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Sau khi ban hành Quyết định, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức chi trả cho người lao động trong thời gian 02 ngày làm việc.
Vì vậy, với trường hợp nếu người lao động khuyết tật buôn bán nhỏ lẻ không đăng ký hộ kinh doanh thì sẽ được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đã phân tích ở trên. Đề nghị bạn đọc liên hẹ trực tiếp với xã X, huyện CM, thành phố Hà Nội để được xem xét, giải quyết.
Trên đây là giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt, hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải. Nếu có vướng mắc cần giải đáp, quý bạn đọc xin vui lòng liên hệ: 1900.6248 để được tư vấn miễn phí. Trân trọng!
Khánh Ly