Người đưa những “chuyến đò” đặc biệt

Bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò thường gọi thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn, phòng Giáo dục và Hướng nghiệp, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn, xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) là người đưa những “chuyến đò” đặc biệt. Bởi, học trò của thầy là những trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, có hoàn cảnh khó khăn, đến từ nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Qua sự dìu dắt, dạy dỗ của thầy Tuấn cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên tại Trung tâm, không ít học sinh khuyết tật đã hòa nhập cộng đồng.

Những giờ dạy không giáo án

Mỗi ngày làm việc của thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn diễn ra luôn đặc biệt với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Trong năm học 2019 – 2020, buổi sáng, thầy Tuấn dạy lớp Kỹ năng sống 1, gồm 10 học sinh mắc chứng tự kỷ mức độ nặng, từ 6 đến 10 tuổi, mới vào Trung tâm. Lớp học không có phấn trắng, bảng đen, sách vở, chỉ có sự tương tác giữa thầy – trò bằng cử chỉ, hành động và ngôn ngữ riêng biệt.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn dành thời gian dạy kỹ năng cho trẻ khuyết tật thông qua các hoạt động sinh hoạt, vui chơi. Ảnh: Hà Hiền

Đang trong giờ học, cháu Phạm Gia Ph. (sinh năm 2009), đến từ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) hét to và chạy ra khỏi lớp; cháu Nguyễn Công T. (sinh năm 2013) đến từ xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức) rời chỗ ngồi, nghịch đồ đạc, trèo lên cửa sổ… Trước những tình huống này, thầy Tuấn nhẹ nhàng đến bên học sinh, dỗ dành các con trở lại vị trí, sau đó hướng dẫn các con thực hiện những kỹ năng đơn giản như tập trung nhìn vào một điểm, nắm, mở bàn tay, đứng lên, ngồi xuống…

Trao đổi với chúng tôi, thầy Tuấn chia sẻ: “Đối với học sinh mắc chứng tự kỷ, mỗi em có nhu cầu sinh hoạt, diễn biến tâm lý, hành động khác nhau, nên giáo viên phải căn cứ vào đặc điểm của từng em để có phương pháp dạy kỹ năng cho phù hợp. Chương trình giảng dạy không thể theo giáo án, mà phải linh hoạt theo từng tình huống, ưu tiên tiết chế những hành vi tiêu cực, hướng trẻ đến những hành vi tích cực hơn”. Nhận được sự quan tâm của thầy Tuấn cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn, một số học sinh lớp Kỹ năng sống 1 đã biết nghe lời, bộc lộ cảm xúc yêu thương bạn bè, thầy, cô giáo; có những em được chuyển lên lớp Kỹ năng sống 2, dành cho học sinh có nhận thức tốt hơn.

Buổi chiều hằng ngày, thầy Nguyễn Hữu Tuấn dạy tin học cho học sinh khuyết tật ở độ tuổi lớn hơn, hành vi ổn định hơn. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh bị đa dạng tật, thầy Tuấn không thể xây dựng giáo án chung cho các giờ lên lớp. Thay vào đó, giáo viên tỉ mỉ hướng dẫn học sinh thao tác trực tiếp trên máy tính sao cho phù hợp với khả năng nhận thức, mức độ khuyết tật của từng em. Quan sát giờ học tin học, chúng tôi nhận thấy, đa số học sinh lĩnh hội được kiến thức do thầy Tuấn truyền thụ. Chẳng hạn như em Phạm Khánh Toàn biết soạn văn bản theo mẫu, thực hiện các phép tính đơn giản trên Excel; em Phạm Thị Vân Giang có thể sử dụng internet, mạng xã hội…

Đáng quý hơn, hết giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn vẫn thường xuyên dành thời gian dạy kỹ năng cho trẻ khuyết tật bằng cách giúp đỡ, hướng dẫn các em làm vệ sinh cá nhân, ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, chăm sóc vườn cây… Cứ thế, sự tiến bộ từng ngày của học sinh khuyết tật là niềm vui, mục đích hướng tới của người thầy có trái tim nhân hậu.

Thắp sáng ước mơ cho học sinh khuyết tật

Kể về hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật suốt 13 năm qua, thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn coi đó vừa là cơ duyên, vừa là trách nhiệm, là tình yêu thương giữa người với người. “Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin, tôi mong muốn tìm được việc làm gần nhà. Năm 2006, thấy Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn cách nhà tôi ở chỉ vài trăm mét tuyển dụng lao động, tôi nộp hồ sơ ứng tuyển. Vào làm việc tại Trung tâm, tôi trở thành thầy giáo của những mảnh đời kém may mắn. Càng gắn bó với công việc giản dị mà ý nghĩa này, tôi càng yêu nghề. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi phải làm gì đó góp phần bù đắp thiệt thòi, thắp sáng ước mơ cho những học sinh khuyết tật”, thầy Tuấn chia sẻ.

Dạy học bằng sự kiên nhẫn, linh hoạt, sáng tạo, yêu thương học trò như người thân, thầy Tuấn đã có những lứa học trò trưởng thành, hòa nhập cộng đồng. Điển hình như anh Trần Văn Hùng bị khuyết tật vận động đã mở được cửa hàng sửa chữa máy tính, kinh doanh trò chơi điện tử tại quê – xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai); anh Phạm Ngọc Nam, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) bị khuyết tật vận động đặc biệt nặng đã có thu nhập từ nghề tin học văn phòng.

Đặc biệt hơn là trường hợp em Nguyễn Diệu Linh, bị bại não thể múa vờn, đã vượt qua 120 người khuyết tật để giành Huy chương Vàng, đồng thời giành giải thưởng “Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất” tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu với thanh, thiếu niên khuyết tật”, diễn ra ở Hàn Quốc vào năm 2014. Hiện nay, Diệu Linh là học sinh lớp 10 của Trường THPT Xuân Mai (Chương Mỹ).

Cũng nhờ được thầy Tuấn truyền cảm hứng, niềm đam mê với môn tin học, em Nguyễn Thùy Trang bị bại não thể co cứng, hiện là học sinh lớp Nghề 2, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn giành Huy chương Vàng tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu với thanh, thiếu niên khuyết tật” vào năm 2017. Dùng chữ viết để trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Nguyễn Thùy Trang cho hay: “Thầy Tuấn luôn động viên “Trang cố lên”, “Trang có thể làm được”… Sự động viên đó giúp em có thêm niềm tin vào bản thân, vào tương lai”.

Ngoài công việc chuyên môn, với vai trò là Trưởng ban Thanh tra nhân dân, thầy Tuấn thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra nội vụ, qua đó đề xuất với Ban giám đốc Trung tâm và các phòng, ban chuyên môn những giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học, hướng nghiệp, phục hồi chức năng cho đối tượng trẻ khuyết tật đặc biệt nặng.

Trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, thầy Nguyễn Hữu Tuấn luôn cư xử mẫu mực, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những người xung quanh. Chị Hà Thị Ngọc Thảo, giáo viên phòng Giáo dục và Hướng nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã học hỏi từ thầy Tuấn những đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Tình yêu đối với nghề giáo, sự quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn trong tôi và nhiều giáo viên khác cũng nhờ đó mà tăng dần theo năm tháng”.

Còn ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn nhận xét: “Với mọi công việc, nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn đều hoàn thành xuất sắc. Tinh thần làm việc, tấm lòng nhân hậu của đồng chí Tuấn là tấm gương để đội ngũ cán bộ, giáo viên tại Trung tâm noi theo”.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều đóng góp cho xã hội, thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn vừa được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

Theo Minh Ngọc – Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang