Người đàn ông khuyết tật tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh

(ĐHVO). Suốt mấy chục năm nay,  một người đàn ông khuyết tật đã duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông, tạo việc làm cho nhiều người người đồng ngộ khác trong thôn. Nhờ đó, đời sống của nhiều người khuyết tật được nâng cao.

Trước đây, ông Đào Đức Bang vốn là một người lành lặn, khoẻ mạnh, là lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, đến năm 1986, một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi một bên chân khiến ông trở thành người không lành lặn, thuộc dạng khuyết tật vận động. Từ đó, cuộc sống của ông trở nên khó khăn, đi lại bất tiện. Với sự đồng hành và động viên của gia đình, đặc biệt là người vợ, người đàn ông này đã dần dần chấp nhận sự thật, duy trì và phát triển nghề làm bánh đa nem truyền thống, tạo việc làm cho gần chục người đồng cảnh ngộ.

Ông Đào Đức Bang vượt khó đi lên, lan toả tình người, tạo việc làm cho những người cùng cảnh

Tai nạn bất ngờ, vượt khó đi lên

Về thôn Trung Hà (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội), ai ai cũng biết đến hòan cảnh và nghị lực phi thường của ông Bang. Năm nay, ông Bang đã ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, ông vẫn luôn hoạt động hết mình vì người khuyết tật, luôn tạo điều kiện cho những người khuyết tật khác trong thôn để họ có thể lao động, tự kiếm ra thu nhập từ chính sức lao động của mình.

Suốt thời gian qua, ông Bang luôn nỗ lực không ngừng, từ việc tập đi lại bằng chống gậy đến đi xe đạp. Ông Bang tham gia Hội Người khuyết tật (NKT) của thôn, của xã, của huyện và trở thành một trong những thành viên hoạt động năng nổ nhất, nhiêt tình nhất. Mỗi năm 4 lần, vào dịp 18/4, tết Thiếu Nhi, 03/12, Tết Nguyên Đán, ông Bang luôn đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hay các cháu thiếu nhi, mang những món quà ấm tình người đến với họ.

Ông Nguyễn Viết Tụng (Chủ tịch Hội NKT huyện Mê Linh) cho biết: “Bác Đào Đức Bang là một người vô cùng gần gũi, hoạt động chăm chỉ. Ngay từ lúc Hội mới thành lập, mọi cuộc họp đều có sự góp mặt của bác Bang, dù cho bác phải đạp xe đạp hàng chục cây số mới đến nơi. Cho đến nay, bác Bang vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động của hội và bác tích cực ủng hộ đồng bào bà con miền Trung đợt lũ vừa rồi”.

Để có thể vực dậy tinh thần sau tai nạn bất ngờ và lan toả tinh thần nghị lực cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, ông Bang có một hậu phương vững chắc phía sau, đó là người vợ của ông. Khi gia đình luôn bên cạnh và động viên ông trong mọi hoàn cảnh, ủng hộ ông trong mọi công việc, thì đó là điều vô cùng ý nghĩa.

Phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho người đồng cảnh

Từ xa xưa, thôn Trung Hà vốn là làng nghề làm bánh đa nem truyền thống. Có thời điểm, cả làng cùng nhau làm bánh đa, tạo thu nhập ổn định và nổi tiếng khắp Hà Thành. Ngày nay, với sự phát triển của các ngành công nghiệp, buôn bán kinh doanh khác, số lượng các hộ dân làm nghề truyền thông còn không nhiều.

Suốt mấy chục năm nay, gia đình ông Bang vẫn duy trì nghề làm bánh đa nem và ngày càng phát triển hơn. Sức người có hạn, đi lại không thuận lợi như trước, ông Bang đã mở rộng cơ sở sản xuất, nhận làm với số lượng nhiều. Thấu hiểu những khó khăn của NKT, mong muốn giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, ông Bang đã không ngừng học hỏi, mở rộng cơ sở sản xuất bánh đa nem, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh khác trong thôn.

Bà Nậm (NKT vận động) làm việc đã mấy năm nay tại nhà ông Bang, đang thực hiện công đoạn ngồi tách bánh đa nem

Còn nhớ trước đây 5 năm, một cơ hội phát triển mới đã đến với ông Bang khi ông cùng một số NKT khác được hỗ trợ, đi học chương trình của Tây Ban Nha và Việt Nam kết hợp. Ông có thể xuất khẩu bánh đa nem ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhận thấy sự bất đồng về ngôn ngữ, nguồn lực có hạn, khó khăn trong vấn đề giaotiếp, vận chuyển hàng nên ông đã từ chối. Dù cơ sở sản xuất bánh đa nem tại nhà khá nhỏ nhưng ông luôn giữ quan điểm: “Hàng phải đảm bảo chất lượng, không để hỏng mốc, tạo thu nhập cho nhiều NKT khác”. Do đó, ngôi nhà của ông vẫn luôn là điểm đến, nơi “vực dậy” tinh thần cho những người chưa được lành lặn trọn vẹn.

Bà Nậm (hơn 60 tuổi, người làm việc tại nhà ông Bang) chia sẻ: “Tôi là người khuyết tật vận động, hay đau nhức khi trở trời. Chúng tôi thì đi lại khó khăn nên chỉ làm được công việc bóc bánh đa nem như này thôi, người bình thường khó mà có thể ngồi im suốt được. Nay, được làm việc ở nhà bác Bang, tôi thấy rất vui, có người nói chuyện và còn có thêm thu nhập”.

Nắm bắt được tình trạng vận động cụ thể của từng cá nhân, ông Bang để mỗi người sẽ làm mỗi công đoạn khác nhau, sao cho phù hợp với sức khoẻ, mong muốn của từng người. Những người khuyết tật vận động thì ngồi bóc bánh đa nem, người khuyết tật trí tuệ thì phơi bánh, vợ ông cũng hỗ trợ và làm việc với mọi người, là người tránh bột tạo bánh đưa lên dây chuyền,… Nhờ vậy, thay vì chỉ phải ngồi một chỗ, hay bị bó hẹp trong khoong gian chật hẹp tại nhà, không được làm bất cứ việc gì thì giờ đây, những NKT này đã có một môi trường để lao động, làm việc.

Hai anh em Dũng – Thanh đều không được minh mẫn, giao tiếp vô cùng khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ, tạo cơ hội việc làm của ông Bang mà họ cũng đang làm việc tại đây. Ánh mắt của cả hai anh em đều rất “ngơ ngác, lạ lẫm” khi có người lạ, luôn nở nụ cười vui vẻ, cần sự giúp đỡ của người khác trong giao tiếp. Họ đã thật sự được lao động, được cống hiến sức mình để có thể tự kiếm thu nhập, nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

Sau trận ốm sốt năm 3 tuổi, trí não anh Dũng không được minh mẫn, tay chân cũng bị co quắp một bên. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất bánh đa nem nhà ông Bang đã nhận anh Dũng vào làm với công việc ngồi bóc bánh đa và nay anh đã làm việc rất chăm chỉ, tự mình tạo ra sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lợi (Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Mê Linh) cho biết: “Nhờ có bác Bang tạo việc làm, gần chục NKT trong thôn Trung Hà đã có thêm thu nhập, ổn định hơn cuộc sống gia đình. Họ không thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình như trước nữa”.

Anh Thanh cũng bị co quắp tay, giao tiếp khó khăn đang phơi bánh đa nem. Anh luôn nở nụ cười trên môi khi có người lạ đến

Những sản phẩm bánh đa nem được sản xuất tại nhà ông Đào Đức Bang đều là công sức lao động của những NKT, đạt chuẩn, an toàn và đem lại thu nhập cho họ. Dù số tiền kiếm ra từ xông việc làm bánh đa nem tại đây chỉ dao động từ 2- 3 triệu, nhưng đó thực sự là điều đáng mừng từ việc làm của ông Bang và nghị lực vượt lên hoàn cảnh của những người lao động nơi đây. Từ tấm lòng nhân ái của chính mình, ông Đào Đức Bang giúp những NKT khác tưởng như không thể lao động, không thể tạo ra thu nhập cho bản thân, thì nay, họ hoàn toàn tự tin vào bản thân, tự kiếm thêm thu nhập từ chính công việc truyền thống của cha ông, phù hợp sức khoẻ.

Bánh đa nem đã được bóc tách và chuẩn bị đem cắt, đóng gói thành phẩm

Nơi sản xuất bánh đa nem còn nhỏ nhưng tình người ở nơi đây thật lớn lao! Một người đàn ông nghị lực, vượt cú sốc lớn vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, phát triển nghề truyền thống của cha ông, tạo việc làm cho những người cùng cảnh khác. Như ông Bang nói: “Cho đi là còn mãi, giúp được họ là tôi cũng thấy mình có ích cho xã hội”. Đúng vậy, chỉ khi lòng tốt được lan toả, trao được giá trị, thấy được sự thiết thực và niềm vui trong cuộc sống thì khi đó tình người luôn còn mãi. Những NKT vẫn luôn nỗ lực cố gắng từng ngày, lao động hết mình và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn.

Nguyễn Nhật

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang